DIỄN NGÔN TRONG HỘI HỌA HIỆN ĐẠI ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
I. Dẫn nhập
Mỹ thuật hiện đại Việt Nam có thể được tính bắt đầu khi trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương thành lập từ năm 1925, vào thời điểm mà các trào lưu mỹ thuật hiện đại đang trăm hoa đua nở ở Pháp. Hiệu trưởng đầu tiên của trường là Victor Tardieu cho rằng “ Tư tưởng tổng quát không phải là tạo ra một ngôi trường, mà ở đó vận dụng các hình thức cổ xưa không có sự suy xét cũng như tinh thần phê phán. Vấn đề là vừa phải biết tôn trọng các truyền thống mang tính bản địa, vừa phải thích ứng với các nhu cầu mang tính hiện đại” (trích lại theo Quang Việt, Tự điển họa sĩ Việt Nam, Nxb Mỹ thuật, 2008)
Các phương pháp nghiên cứu
Người viết đã dùng các phương pháp nghiên cứu như:
- Phương pháp nghiên cứu lịch đại và đồng đại,
- Phương pháp hệ thống là phương pháp tư duy nhằm tìm kiếm, xác lập hoặc mô phỏng các mối quan hệ qua lại giữa các thành tố đối tượng của tư duy. Phương pháp hệ thống chú ý đến các mối quan hệ giữa con người, môi trường sống cá nhân – xã hội, tư duy – hành động, quan niệm của chủ thể - khách thể, giá trị - phi giá trị, tự ngã – siêu ngã; đem lại cái nhìn bao quát nhằm xác định tính cách của người Nam bộ
- Phương pháp tiếp cận liên ngành,…
Câu hỏi nghiên cứu
Các phương pháp tiếp cận trên nhằm mục đích giải thích những câu hỏi nghiên cứu:
(1) Ảnh hưởng của môi trường sông nước tại Nam bộ tạo nên tính đặc thù như thế nào trong các tác phẩm hội họa của khu vực này, dưới góc nhìn Nhân học Văn hóa.
(2) Tìm hiểu sự đóng góp của hội họa tại Đồng bằng Sông Cửu Long trong sự phát triển mỹ thuật Việt Nam.
Lý thuyết nghiên cứu
Để giải thích những câu hỏi nghiên cứu và các cách tiếp cận nghiên cứu trên, bài viết đã dùng Lý thuyết Diễn ngôn trong Nhân học biểu tượng trình bày các diễn ngôn qua các tác phẩm của những hoạ sĩ Nam Bộ trong từng giai đoạn lịch sử.
II. Các khái niệm trong hội họa và các tác phẩm tiêu biểu của các họa sĩ vùng Đồng bằng sông Cửu Long
1/ Khái niệm "diễn ngôn" trong nhân học thường được sử dụng để chỉ sự tương tác và truyền đạt thông điệp thông qua ngôn ngữ, biểu cảm, và các hành động giao tiếp. Trong ngữ cảnh nhân học, diễn ngôn không chỉ đơn thuần là việc nói chuyện hoặc trao đổi thông tin mà còn bao gồm các yếu tố văn hóa, xã hội, và ngôn ngữ phức tạp. Diễn ngôn không chỉ bao gồm việc sử dụng từ ngữ và ngôn ngữ mà còn bao gồm cách thức mà con người diễn đạt thông điệp thông qua biểu cảm cơ thể, âm thanh, hình thức giao tiếp, và các phương tiện khác. Diễn ngôn đóng vai trò quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức, giá trị, niềm tin, và phong tục tập quán của một cộng đồng. Diễn ngôn không chỉ phản ánh văn hóa mà còn tạo ra, hình thành và duy trì văn hóa.Trong một số trường hợp, diễn ngôn có thể được sử dụng như một công cụ quyền lực để kiểm soát, chi phối hoặc tuyên truyền ý kiến và giá trị của một nhóm hoặc cá nhân đối với người khác.
Trong nhân học, phân tích diễn ngôn là quá trình nghiên cứu và giải thích ý nghĩa và tác động của diễn ngôn trong các ngữ cảnh văn hóa và xã hội khác nhau. Phân tích này thường bao gồm nghiên cứu ngôn ngữ, biểu cảm cơ thể, ngữ cảnh xã hội và văn hóa, và quan hệ quyền lực.
2/ Về khái niệm hiện đại, hậu hiện đại, đương đại, trường và mạch trong hội họa
Trước hết chúng ta phân biệt các khái niệm “hiện đại” (modern), “hậu hiện đại” (post modern) và “đương đại” (contemporaty) ở hai khía cạnh trong hội họa là Trường và Mạch.
Hiện đại là một trào lưu nghệ thuật bắt nguồn từ phương Tây từ cuối thế kỷ 19 phát triển cao trào vào giữa thế kỷ 20, lan tỏa trên toàn thế giới và suy yếu ít nhiều nhưng vẫn duy trì đến nay. Mặc dù thời nào cũng có cái mới, nhưng cái mới cả hiện đại là có sự thay đổi, bứt phá rõ rệt trong nhiều lĩnh vực. Trong hội họa các họa sĩ chủ trương đi sâu vào thế giới tinh thần bên trong con người thay vì khách quan bên ngoài, vì thế cái hình trở nên trừu tượng biến đổi dị thường. hiện đại gắn liền với khoa học kỹ thuật nhiều hơn, phục vụ quần chúng nhân dân hơn, phù hợp với bối cảnh toàn cầu hóa. Hiện đại thoát khỏi cái truyền thống riêng biệt, tạo ra tiếng nói chung cho toàn thế giới, vì thế trong nhiều ngữ cảnh nó đối lập với cổ điển, truyền thống.
Hậu hiện đại là trào lưu nghệ thuật bắt đầu từ những năm 1970 (dù thuật ngữ này đã xuất hiện từ những năm 1880), nổi lên nhanh chóng chiếm thế thượng phong trước đó của hiện đại và cũng nhanh chóng suy yếu như hiện đại. Hậu hiện đại đề cao tính địa phương, cá biệt, châm biếm,…tức nó chống lại hiện đại. Nhưng mặt khác nó thừa hưởng thành quả của hiện đại và lưu giữ rất nhiều cách tạo hình của hiện đại. hậu hiện đại không tạo ra một triết lý sáng tạo mới có tính bứt phá như hiện đại trước đây, nó duy trì, chống đối, giễu cợt hiện đại. Vào đầu những năm 2000, người ta đã tuyên bố về một khái niệm có tên “hậu-hậu-hiện đại” (post-post modern), như một điếu văn cho sự cáo chung của trào lưu này. Nhưng tư tưởng của của hậu hiện đại không chết, nó lại ẩn giấu trong các trào lưu mới nổi khác, ví dụ như Giải cấu trúc (deconstructivism). Điều đó chứng tỏ hậu hiện đại chẳng qua chỉ là một biểu hiện tức thời của một dòng chảy ngầm nào đó rất mạnh mẻ.
Đương đại trước hết là một khái niệm chỉ những gì đang diễn ra trong nghệ thuật, nhưng thời gian thì cứ trôi đi mà ngôn từ thì vẫn còn ở lại. Những gì đã xảy ra cách đây hơn nửa thế kỷ, ví dụ như chủ nghĩa biểu hiện trừu tượng vẫn là đương đại. Nếu hiểu theo nghĩa xu hướng nghệ thuật thì có cảm giác là đương đại là giai đoạn sau của hiện đại, hoặc, đương đại là một hình thức mới chưa thể định danh nên cứ tạm gọi là đương đại. Thực tế cho thấy hầu hết những xu hướng nghệ thuật đương đại ít liên quan đến “hội họa giá vẽ” kiểu như khái niệm Cắt ghép, Fluxus, Trình diễn, Video art, Sắp đặt, Land art, Grafiti… Chính vì vậy nghệ thuật đương đại theo ý hiểu phổ biến ngày nay phải chăng là cái nhánh mới rẻ ra từ cái cây nghệ thuật, giống như sự xuất hiện của điện ảnh hay nhiếp ảnh trước đây. Còn hội họa giá vẽ có lẽ phải tiếp tục đi bằng con đường của chính mình.
“Trường” trong hội họa mang tính thời điểm và không gian cụ thể nào đó, có sự tương tác với các khái niệm nghệ thuật khác cùng thời đại
"Mạch" trong hội họa thường được sử dụng để chỉ sự sắp xếp hoặc sự phối hợp của các yếu tố như đường nét, màu sắc, ánh sáng, không gian, và hình dạng trong một bức tranh hoặc một tác phẩm nghệ thuật khác. Mạch là cách mà các yếu tố này được tổ chức và liên kết với nhau để tạo ra sự cân đối, sự hài hòa và sự phong phú trong tác phẩm. Mạch có thể được hiểu như là cấu trúc hoặc tổ chức nội bộ của một tác phẩm nghệ thuật. Nó bao gồm cả yếu tố trực quan và không trực quan, và có thể được thể hiện thông qua các mối quan hệ, sự tương tác và cảm nhận của người xem khi nhìn vào tác phẩm. Mạch không chỉ đơn thuần là việc sắp xếp các yếu tố một cách hợp lý, mà còn bao gồm việc tạo ra sự cảm nhận, cảm xúc và ý nghĩa đặc biệt cho người xem. Một mạch tốt có thể tạo ra một trải nghiệm thú vị và sâu sắc cho người quan sát, và có thể giúp tác phẩm trở nên hấp dẫn và ấn tượng hơn.
Mỹ thuật hiện đại Việt nam có thể được chia thành 3 vùng: (1) Vùng thứ nhất chính là Trường Cụ thể - Khách quan: đây là khu vực chính thống, là vùng chủ đạo của hội họa Việt Nam trong thế kỷ XX, là cơ sở cho sự phát triển mỹ thuật Việt Nam . Đó là chủ nghĩa cổ điển – hiện thực – lãng mạn. Sau đó là xu hướng hậu ấn tượng pha chút biểu hiện được tham khảo từ các bậc thầy của Pháp như Bonnard, Vuillard, Rouault, Marquet,… Xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa, nhưng các họa sĩ Việt Nam không cứng nhắc, không mang nặng tính tuyên truyền, họ lấy cảm hứng từ hiện thực cuộc sống còn cách thể hiện không bao giờ thuần túy hiện thực, nhiều khi rất lãng mạn, nhiều chất thơ. Xu hướng hiện thực sơn mài, xu hướng hiện thực lụa,… (2) Vùng thứ hai, chính là trường Trừu tượng – Chủ quan. Vùng này phát triển mạnh ở miền Nam việt Nam trước 1975, rồi toàn quốc từ sau Đổi mới đến nay với những họa sĩ nổi tiếng như Tạ Tỵ, Vĩnh Phối, Phạm Tăng, Trần Lưu Hậu, Nguyễn Trung, Nguyễn Phước, Bửu Chỉ, Thành Chương. ở vùng này tính sáng tạo đặc trưng cá nhân được đề cao, công chúng không khó để nhận ra tranh của từng tác giả. Vùng này mạnh về tính “Trường” bởi sự giao lưu sâu rộng với nghệ thuật thế giới, cũng như sự đa dạng phong phú của các tác giả. (3) Vùng thứ ba là vùng giao thoa giữa hai vùng trên đồng thời là mạch truyền thống dân tộc. Đây là vùng đã tạo ra những họa sĩ suất sắc nhất của hội họa Việt Nam trong 100 năm qua. Họ đi lên từ truyền thống, tác phẩm của họ không đơn giản chỉ là sự lựa chọn sử dụng chất liệu, nội dung, hình thức, tinh thần của truyền thống để tạo ra nét riêng cho hội họa Việt Nam
III. Nghiên cứu trường hợp các họa sĩ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tiêu biểu
Vùng đất Đồng bằng sông Cửu Long sản sinh ra nhiều họa sĩ tài năng nổi tiếng như họa sĩ Lê Văn Đệ (hiệu trưởng trường Mỹ thuật Đồng Nai.), Diệp Minh Châu, Ca lê Thắng, Nguyễn Sáng, Thanh Châu, Trần Trung Tín… đều là người gốc miền Nam đã rạng danh ở đất Bắc.
Các họa sĩ tiêu biểu như: - Họa sĩ Lê Mậu, họa sĩ Lê Triều Điển quê ở Vĩnh Long; - An Giang có họa sĩ Hà Khê; - Cần Thơ có họa sĩ Trần Đình Nghĩa; - Trà Vinh có họa sĩ Văn Đen; - Mỹ Tho có họa sĩ Nguyễn Thị Tâm; -Tiền Giang có họa sĩ Đặng Can với những bức tranh sơn dầu nhẹ nhàng sâu lắng. Đề tài xuyên suốt trong tranh của Ông là phong cảnh miền quê hiền hòa, yên tỉnh, gắn với triết lý cuộc đời, những thay đổi trong cuộc sống hàng ngày cũng như sự mộc mạc và giản dị của người dân Nam Bộ. Họa sĩ Phúc An với phong cách tả thực, lối vẽ tinh tế những phong cảnh thiên nhiên, những đồng lúa xanh mang màu mạ non cho đến cánh đồng vàng trong mùa chín rộ là những chất liệu để họa sĩ đưa vào tranh, như bức vào mùa, giải A của hội Mỹ thuật Việt Nam 2010 của họa sĩ; - Tại Kiên Giang có họa sĩ Nguyễn Thanh Hải khai thác nét đẹp gắn với miệt vùng duyên hải, vùng ven biển Tây nam Bộ với những ngôi nhà lá xập xệ được lợp bằng lá dừa nước rất đặc trưng của vùng quê Kiên Giang qua tác phẩm Lặng lẽ Ba Hòn, Một góc Tháp Mười,… - An Giang có họa sĩ Lê Thanh Tùng với tác phẩm Mùa Vải, Sắc quê,…với cảnh một buổi đốt đồng sau mùa gặt, hình ảnh người nông dân đánh những chuyến xe bò chở đầy ắp rơm, lúa thơm trong không khí tất bật của mùa vụ. Tác phẩm Chiều Tân Châu của Lê Duy tái hiện cảnh sinh hoạt dưới ánh nắng của một buổi chiều tà thật thơ mộng, chân cột nhà sàn và chiếc cầu ao dưới bến nước trông rất biểu cảm,
Họa sĩ Tạ Thị Ánh Hồng xây dựng hình tượng một người phụ nữ bán chuối cùng một chiếc xe đạp treo rát nhiều chuối, từ tay lái đến sau xe, thể hiện được nét duyên quê của người phụ nữ nông thôn, cần mẫn trong niềm tin lạc quan, trong tác phẩm Chuối.
Họa sĩ Nguyễn Văn Minh chuyên về tranh sơn mài có những sáng tác nổi bật về phong cảnh miền Tây nam bộ như tác phẩm Chiều quê, Ký ức quê tôi.
Họa sĩ Nguyễn Phi Hùng với tác phẩm sơn mài Xóm Kinh cùng mang phong cách tạo hình hiện đại. Qua ngôn ngữ hội họa, họa sĩ tả lại một gia đình nghèo trong cái ngõ cùng của một vùng sông nước
Châu Hoàng Trọng là một họa sĩ trẻ được biết đến với loại tranh sơn khắc qua tác phẩm Con nước tháng mười, Mùa nước cạn
Tranh khắc họa còn có tác phẩm Chèo thuyền của họa sĩ Lê Lan, Cảnh sông của họa sĩ Phạm Đỗ Đồng, Mùa nước Đồng Tháp Mười của họa sĩ Nguyễn Thanh Châu.
Màu bột có tác phẩm Lâm trường Phương Ninh của họa sĩ Đức Hồng, Mùa thu hoạch,
Ngoài ra còn có các họa sĩ vẽ tranh phong cảnh thuần túy như tác phẩm Phong cảnh Cần Thơ, Chợ sớm bên sông (tranh lụa) của họa sĩ Tô Dự; Bán Cá, Chợ Nổi, Đan Lưới của họa sĩ Nguyễn Hoàng Măng,…
Về chất liệu Lụa có các họa sĩ Lý Phước Như, Nguyễn Hoàng Măng, Trần Thị Mỹ Dung (Chợ quê)
Bằng chất liệu Acrylic , tác phẩm Sông Quê của nữ họa sĩ Lý Ngọc Trâm; tác phẩm Chợ nổi trên sông của họa sĩ Huỳnh Thanh Trang
Bằng chất liệu giấy xé dán tác phẩm Quê hương còn mãi màu xanh của họa sĩ Lâm Chiêu Đồng,…
Bằng chất liệu tổng hợp Một góc Gò Công của họa sĩ Hoàng Anh…
Các nhóm hội hoạ: Tiêu biểu như nhóm Mékong Art với các tác phẩm của Lê Triều Điển và thân hữu.
Trong sách “Hành trình Phù sa” họa sĩ Lê Triều Điển, người sáng lập ra Mekong Art đã viết: “ Sinh ra từ vùng đất phù sa, đồng bằng mênh mông nằm giữa những dòng sông bao quanh, tháng ngày đối diện và soi rọi từ dòng nước bao la, sâu thẳm, dòng sông dài chất chứa bao nhiêu câu chuyện cổ tích, bao nhiêu thánh tích, huyền thoại, tôi lớn lên từ những bài hát ru, câu hò, câu hát dân dã yêu thương. Như một bản trường ca bất tận dòng sông chảy miệt mài theo năm tháng, theo từng mùa mưa nằng, có lúc vơi, lúc đầy, lúc ngọt, lúc lợ. Tôi trôi theo dòng sông như đám lục bình trôi qua bao bến bờ, lau lách….(Sđd: 20) Những khi đứng trước khung bố trắng, có khi lòng tôi buồn vô kể, dường như tôi thấy mình đâu đó, đơn độ giữa con phố khuya, nước mắt tự dưng tuôn trào. Tôi đi như trôi không phương hướng, bỏ qua hết mọi thứ không suy tưởng, sách vở, lịch sử, cuộc đời, tôi hoài nghi với mọi thứ chung quanh, hoài nghi với cả chính mình,(sđd: 23) …Tôi phát hiện ra vẽ là tiếp năng lượng sống cho xúc cảm tâm hồn…Tôi vẽ và cứ vẽ, bất chấp mọi trường phái, xu hướng, tôi cảm thấy tôi vẽ cho chính tôi, cho chính tâm hồn mình đang chịu đựng mọi nổi đau của quê hương đất nước đang bị chiến tranh tàn phá. Tôi vẽ cho những ước mơ, những hy vọng về tương lai bình yên, vẽ cho niềm vui và tiếng cười đùa của trẻ thơ trên cánh đồng hạnh phúc…Những ấn tượng, trừu tượng, lập thể chan hòa trong ánh sáng và âm thanh (sđd: 24).
Năm 1986 Việt Nam bắt đầu mở cửa, Sài Gòn còn có nhiều cơ hội để tổ chức các hội đoàn văn học nghệ thuật. Vào năm 1988 họa sĩ Lê Triều Điển tổ chức triển lãm các tác phẩm của các họa sĩ Vĩnh Long tại TPHCM lần đầu và nhiều lần sau đó. Qua các sinh hoạt triển lãm nhiều họa sĩ nổi tiếng như Nguyễn Trung, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm,… đến xem tranh và khích lệ nhiều cho các họa sĩ tỉnh lẻ, nên họa sĩ Lê Triều Điển đưa ý kiến thành lập một nhóm họa sĩ có trường lớp hoặc tự học nhưng có năng khiếu mỹ thuật, yêu nghề còn lang thang khắp mọi nẻo đường để có một nơi gặp gỡ và giới thiệu tranh cho công chúng thưởng lãm vừa nuôi dưỡng tài năng. Thời gian này các phòng triển lãm có công chúng xem và các tác phẩm vẫn bán được cho các gallery, cho công ty sơn mài Lam Sơn và nhất là Việt kiều và khách Tây về đến Việt Nam. Vốn là dân miền Tây rất tình cảm ấn tượng sâu đậm với dòng sông Mekong mang nhiều dòng văn hóa nghệ thuật từ Tây Tạng đến Việt Nam nên quyết định đặt tên là câu lạc bộ Mekong Art hội tụ những họa sĩ nhiều hoàn cảnh, vùng miền, nhiều xu hướng sáng tác, nhiều thế hệ và khởi đầu cuộc triển lãm được tổ chức năm 1988 tại công viên văn hóa Lê Thị Riêng trong cuộc triển lãm lần đầu này gồm có các họa sĩ điêu khắc như họa sĩ Phạm Văn Hạng, Trần Hữu Lộc, Lê Trường Đại, Thế Đệ, Nguyễn Chương và một số bạn khác nữa, sau đó những lần tiếp theo nhiều họa sĩ tham gia. Mỗi năm Hội Mỹ Thuật TPHCM có dành cho CLB Mekong Art một cuộc triển lãm, ngoài ra CLB còn tổ chức triển lãm giao lưu với các tỉnh xa như Huế, Hội An, Phú Yên, Đà Lạt, Bảo Lộc, Tiền Giang, thỉnh thoảng còn tổ chức triển lãm nhóm tại Bảo tàng mỹ thuật thành phố hoặc tổ chức đi triển lãm ở Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Trung Quốc ... nhiều thế hệ họa sĩ thành danh như Đoàn Việt Tiến, Nguyễn Duy Nhật, Thanh Tùng... đã tạo nên một Câu lạc bộ Mekong Art được nhiều người biết đến.
IV. Diễn ngôn của các tác phẩm Hội họa Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện đại
1/ Diễn ngôn qua ngôn ngữ biểu tượng của hội họa Đồng Bằng Sông Cửu Long hiện đại
Hội họa được xem như là môt môn nghệ thuật thuật kiệm lời nhất, không âm thanh, không chuyển động, tự thân nó phải tìm những yếu tố đặc trưng căn bản giải quyết được vấn đề gọi là ngôn ngữ nghệ thuật tạo hình. Những hình tượng trong một trạng thái tâm hồn của con người được cảm nhận qua sự tương tác của họa sĩ trong quá trình sáng tác với đầy đủ các đặc trưng ngôn ngữ tạo hình, sự di chuyển, biểu hiện trạng thái cảm xúc.
Họa sĩ bằng cách riêng của cá nhân sẽ tìm ra một cách thức, ngôn ngữ thể hiện qua tác phẩm như cầu nối giữa cảm xúc với hiện thực xã hội. Đó là hình tượng nghệ thuật - những ký hiệu hình ảnh cảm quan trực giác gần gũi nhất của con người; hình tượng tái tạo và thể hiện hiện thực theo nguyên tắc mỹ thuật học. Qua hình tượng, các mặt đối lập của cùng một nội dung thái độ thẩm mỹ, cảm xúc, tư tưởng, được bộc lộ trọn vẹn nhờ quá trình trải nghiệm thực tế và hình thành quan điểm sáng tác của người họa sĩ. Đó chính là tâm hồn, đứa con tinh thần mang dấu ấn của họa sĩ.
Tâm hồn và bàn tay họa sĩ đã hành động như một sự sàng lọc, từ đó một ý tưởng trở thành sản phẩm vật chất. Trong khi người xem dễ dàng nhìn thấy, chạm được vào đời sống vật thể của tranh qua chất liệu, phương cách sử dụng bút pháp trên bề mặt thì các ý niệm ẩn chứa trong nội dung không thể thể hiện được bằng tay hay nhìn rõ bằng đôi mắt mà cần có sự cảm nhận tinh tế bằng cảm quan nghệ thuật. Đời sống tinh thần trong tranh chính là ý thức, khả năng trừu tượng của tác giả ghi lại một cách khéo léo thế giới nội tâm của mình vào tác phẩm như một cách thể hiện ứng xử thẩm mỹ trước hiện thực cuộc sống của một nhân chứng. Đó là yếu tố quyết định cho sự thành công hay chính là giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Những nhân vật trong tranh không được đặc tả trạng thái nhưng người xem vẫn ngầm hiểu và đồng cảm với nội tâm nhân vật đó là cảm giác hết sức thú vị mà họa sĩ đã gửi gắm trong tác phẩm.
Vẽ tranh là quá trình trải nghiệm, cảm thụ và tư duy đặc thù của người họa sĩ, nơi đó đời sống vật chất và đời sống tinh thần của con người được thể hiện đa dạng qua những cung bậc cảm xúc; hội họa trở thành một thế giới khách quan giữa họa sĩ và tác phẩm.
Ví dụ như trường phái hiện thực, các sự vật trong tranh rất thực, nhưng tinh thần ánh sáng trong tranh lại tạo nên một cảm giác không gian ảo. Trong tranh trừu tượng người vẽ lược bỏ mọi yếu tố mô tả chỉ còn để lại các yếu tố hội họa thuần túy như màu, nét, khối, hòa sắc cùng không gian, nhịp điệu kết cấu của yếu tố thị giác nguyên thủy nhất. Diễn ngôn biểu hiện của các trường phái khác như lập thể, siêu thực,... mang đến cho người xem những chân trời mới, không thể nhìn bằng đôi mắt thường. Đó là sự khác nhau giữa hình ảnh và hình tượng. Hình ảnh là sự ghi lại sự vật một cách chân thực được xem như bước đầu để xậy dựng hình tượng. Hình tượng là một biểu tượng về con người được hình thành từ sức sáng tạo, quan điểm thẩm mỹ của họa sĩ. Để xây dựng được một hình tượng nghệ thuật đòi hỏi phương pháp chọn lọc, xử lý, các phương thức khác như ước lệ, cách điệu, ẩn dụ, liên tưởng... và đôi khi những sáng tác vượt ngưỡng lên khỏi những suy nghĩ bình thường đang hiện hữu để tạo nên sức hút riêng của hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm. Hình tượng nghệ thuật được các tác giả định hình bằng những rung cảm thị giác và sự cảm thụ, sâu sắc với hoàn cảnh môi trường của đối tượng thẩm mỹ hình thành nên chiều sâu của hình tượng nghệ thuật. Những rung cảm của thị giác không bị giới hạn hay ràng buộc bởi những quy luật hay khuôn khổ nào cả. Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm sẽ không bị giới hạn bởi các quan niệm, ý niệm đơn thuần mà là sự vượt thoát tự do thông qua quan điểm thẩm mỹ của người nghệ sĩ được thể hiện bằng đường nét, màu sắc, nhịp điệu. Bằng hình tượng nghệ thuật, người ta có thể nhìn thấy cái động trong cái tĩnh, cái sâu lắng âm trầm trong sự luân chuyển liên tục, nhờ hội họa, người vẽ và người xem có thể chạm vào cái vô hình, những gì không thấy bằng mắt như thế giới nội tâm con người. Hình tượng nghệ thuật trong hội họa mang những đặc điểm khác nhau, tùy theo năng lực, môi trường sống, quan điểm thẩm mỹ ở các vùng miền của họa sĩ
2/ Diễn ngôn qua ngữ cảnh xã hội và văn hóa của hội họa miền Tây Nam Bộ hiện đại
Diễn ngôn qua ngữ cảnh xã hội và văn hoá của hội hoạ SG - TP.HCM là cách các nghệ sĩ sử dụng hình ảnh, màu sắc, hình dạng và bố cục để truyền tải thông điệp, ý tưởng và cảm xúc của mình. Điều này không chỉ là việc tạo ra các tác phẩm nghệ thuật mà còn là việc thể hiện các quan điểm xã hội, văn hóa, chính trị và cá nhân thông qua ngôn ngữ hình ảnh. Dưới đây là một số khía cạnh chính của diễn ngôn này:
Biểu Tượng Truyền Thống: Các nghệ sĩ thường sử dụng các biểu tượng văn hóa truyền thống như hoa sen, rồng, chim hạc và các yếu tố kiến trúc cổ để kết nối với lịch sử và văn hóa dân tộc.
Di sản Lịch Sử: Các hình ảnh về chiến tranh, các cuộc đấu tranh giành độc lập và các nhân vật lịch sử cũng được sử dụng để khơi gợi và phản ánh quá khứ.
Những Vấn Đề Xã Hội Đương Đại như Môi Trường và Đô Thị Hóa: Các tác phẩm nghệ thuật thường phản ánh những thách thức về môi trường, sự biến đổi của đô thị và tác động của quá trình đô thị hóa đến cuộc sống con người.
Xã Hội và Nhân Quyền: Các nghệ sĩ có thể sử dụng nghệ thuật để nói lên các vấn đề về quyền con người, công bằng xã hội, và những thách thức mà các cộng đồng thiểu số và yếu thế phải đối mặt.
Tâm Linh và Tôn Giáo: hình ảnh của các biểu tượng tôn giáo như Phật, Chúa, và các thần linh khác thường xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, thể hiện sự đa dạng tôn giáo và tâm linh của khu vực.
Tâm Linh Cá Nhân: Một số nghệ sĩ thể hiện sự tìm kiếm tâm linh và sự kết nối với thế giới siêu nhiên thông qua các hình ảnh và biểu tượng trừu tượng.
Cảm Xúc và Tâm Trạng Cá Nhân: Sử dụng màu sắc, đường nét và bố cục để truyền tải cảm xúc và tâm trạng cá nhân như niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn và hy vọng.
Phản Ánh Tâm Trạng Xã Hội: Các tác phẩm có thể phản ánh tâm trạng chung của xã hội, như sự phấn khởi, lo lắng, hoặc sự bất mãn với những thay đổi và sự phát triển.
Phong Cách và Trường Phái Nghệ Thuật: Sự kết hợp giữa các phong cách nghệ thuật hiện đại và đương đại trong các tác phẩm giúp thể hiện sự phát triển và đa dạng của nghệ thuật tại TP.HCM.
Các Biểu Tượng Đời Sống Hàng Ngày: Các hoạt động thường ngày, cảnh quan đô thị, và các yếu tố của cuộc sống hàng ngày được sử dụng để tạo ra kết nối gần gũi và chân thực với người xem.
Phản Ánh Xã Hội Hiện Đại: Các biểu tượng của văn hóa đại chúng, công nghệ và lối sống hiện đại cũng được khai thác để phản ánh sự thay đổi và phát triển của xã hội.
Diễn ngôn qua ngôn ngữ biểu tượng của hội họa tại TP.HCM không chỉ đơn thuần là việc sáng tạo nghệ thuật, mà còn là cách các nghệ sĩ giao tiếp với công chúng, phản ánh và đặt câu hỏi về các vấn đề xung quanh họ. Sự đa dạng và phong phú trong cách thể hiện giúp tạo nên một bức tranh sống động và sâu sắc về xã hội và văn hóa Đồng bằng sông Cửu Long.
“Bất cứ nền nghệ thuật nào muốn đứng vững và tồn tại đều phải biểu lộ cho được tinh thần của cộng đồng bằng một bút pháp, khí sắc riêng biệt. Được như thế thì giữa bản hợp ca muôn điệu của cộng đồng nghệ thuật nhân loại, mới đủ nội lực để phổ thêm vào một cung đàn hòa hợp, nhất định phải đầy sáng tạo tính và dân tộc tính, hoành tráng và tươi tắn, trong sự hợp nhất mà vẫn mang hương sắc độc đáo.” (Nguyễn Trung, Vựng tập)
3/ Diễn ngôn quan hệ quyền lực trong hội họa miền Tây Nam Bộ hiện đại
Yếu tố chủ quan của họa sĩ tạo nên những hình tượng nghệ thuật cô đọng truyền cảm và tác động đến người xem một cách sâu sắc. Trong quá trình sáng tác, các họa sĩ bằng cách này hay cách khác đều tìm đến sự thể hiện thế giới nội tâm như để tìm về nguồn cảm xúc chân thực sâu sắc nhất của con người qua ngôn ngữ tạo hình. Cuộc sống trong tranh là một thế giới tinh thần ẩn chứa trong nó là những trầm ngâm suy tưởng có khi nhẹ nhàng cũng có lúc lại nặng trĩu, có cả sự hạnh phúc, nỗi cô đơn và sự âu lo của thân phận con người trước những thăng trầm của cuộc đời. Tuy nhiên đôi khi yếu tố chủ quan của nghệ sĩ bị giới hạn vì nghề nghiệp, vì định kiến và những luật lệ của xã hội. Như họa sĩ Cao Thị Được tâm sự: khi chúng tôi tổ chức một cuộc triển lãm, mục đích chính là trưng bày các tác phẩm có tính hàn lâm, gần với khuôn mẫu của giáo trình để hướng dẫn sinh viên. Chúng tôi khó có thể đưa ra các tác phẩm nude, ngoài lề, phóng khoán,…
Khi tổ chức các cuộc triển lãm các tranh phải đưa kiểm duyệt ở Sở Văn Hóa-Thông Tin. Điều này cũng là một giới hạn cho các họa sĩ không thể phóng bút theo cảm xúc hiện thực của họ.
V. Kết luận
Hội họa hiện đại Đồng Bằng Sông Cửu Long hình thành từ kết quả của sự tiếp thu giá trị truyền thống và học hỏi những thành tựu trong giao lưu văn hóa nghệ thuật thế giới.
Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đánh giá: “Mấy mươi năm sau giải phóng, mỹ thuật Việt Nam đã có sự phát triển khá bất ngờ. Các họa sĩ, nhà điêu khắc đã tìm tòi sáng tạo và mạnh dạn thử nghiệm những thể tài mới. Họ xông xáo, chịu khó đi vào nhiều đề tài để chuyển tải bức tranh cuộc sống nhộn nhịp, hối hả, nhưng cũng đầy sâu lắng, tạo cảm xúc riêng trong cảm nhận của người có điều kiện thẩm định nhiều tác phẩm mỹ thuật của cả nước. Họ vẫn giữ nguyên được sự đam mê, nhiệt huyết với nghề, dù những ai theo nghề này cũng biết rằng rất khó để sống được bằng nghề. Thế nhưng, một tình yêu khó lý giải khiến họ vẫn theo đuổi và tự tìm kiếm, phát triển tay nghề của chính mình, từng bước tạo tiếng nói riêng, góp phần cùng các lĩnh vực nghệ thuật khác tạo sự đa dạng, phong phú và chỗ đứng cho hội họa Việt Nam nói chung, hội họa Đồng Bằng Sông Cửu Long
nói riêng với các khu vực khác trong cả nước...”.
Họa sĩ Bùi Xuân Phái cho rằng: hãy vẽ cho chính mình. Vẽ cho chính mình cảm thấy được, thấy hay, vẽ với ý nghĩa gửi gắm tình cảm. Vẽ là nói lên quan điểm chính mình. Quan điểm sáng tác của tác giả trước hết là điểm khởi đầu quan trọng trong sự hình thành tác phẩm nghệ thuật, và lớn hơn là sự phát triển của các phong trào, trường phái nghệ thuật trên thế giới. Quan điểm sáng tác của mỗi nghệ sĩ được thể hiện rõ nhất trong phong cách, đó là phương thức thực hiện tác phẩm theo cái riêng của mỗi người, nó thuộc về bản chất sáng tạo, bản chất đó có được qua thời gian trải nghiệm gắn kết bởi tiêu chí đánh giá mở rất đa dạng phụ thuộc vào văn hóa tư duy, thời đại, nhóm đối tượng sưu tập và người thưởng ngoạn.
Từ những hoạt động của các trại sáng tác, các cuộc thi, các triển lãm chung và riêng...đã góp phần tạo điều kiện cho các họa sĩ Hội họa hiện đại Đồng Bằng Sông Cửu Long được tiếp cận giao lưu học hỏi lẫn nhau để có những tác phẩm thể nghiệm về nhiều đề tài. Với những chuyến hành trình trải nghiệm và đi tìm nguồn sáng tác nghệ thuật trên khắp các nẻo đường trong và ngoài nước, để nội dung chủ đề sáng tác ngày vàng được mở rộng, có thêm những yếu tố mới góp phần phản ảnh đa dạng diện mạo của đời sống người Việt các vùng miền..
Những giá trị tạo hình của nền hội họa truyền thống, cộng thêm các yếu tố mới của nghệ thuật tạo hình hiện đại đã góp phần cho các tác phẩm hội họa thêm phong phú, đa dạng hơn trong cách thể hiện. Một đội ngũ họa sĩ chuyên, không chuyên, cho ra đời nhiều tác phẩm bằng nhiều chất liệu, nhiều thể loại khác nhau.
Bằng sự biểu cảm của ngôn ngữ tạo hình hội họa trên nhiều chất liệu khác nhau, cùng với tính năng động, sáng tạo các họa sĩ đã khái quát về đặc điểm sinh hoạt của người Đồng Bằng Sông Cửu Long với những hình ảnh quen thuộc khắp vùng đất nước.
Tài liệu tham khảo
David Piper, 1997, Thưởng ngoạn hội họa, Nxb Văn hóa thông tin.
Đỗ Văn Dũng, 2012, Đặc trưng đời sống sông nước Đồng Bằng sông Cửu Long trong hội họa Việt Nam, LVTS, ĐH Mỹ Thuật.
Đặng Ngọc Trân, 2000, Cấu trúc hội họa, Nxb Mỹ thuật
Đặng Thái Hoàng, 2005, Hội họa trừu tượng, Nxb Xây dựng.
Francois Juillien, 2004, Đại tượng vô hình, cảnh lớn không có hình dạng hay bàn về tính phi khách thể qua hội họa, Nxb Đà Nẳng.
Lâm Thị Huyền Lan, 2007, thử tìm hiểu hội họa của các họa sĩ miền Nam từ 1954 đến nay. Luận văn tốt nghiệp, ĐH Mỹ thuật.
Lê Bùi Thị Huyền Trâm, 2007, Tính dân tộc trong hội họa qua cái nhìn của các họa sĩ lão thành, Luận văn Tốt nghiệp, ĐH Mỹ Thuật TPHCM
Lê Thanh Lộc (1998), Từ điển Mỹ thuật, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
Lê Đàn, 2005, Hội họa, Nxb ĐH Mỹ Thuật TPHCM
Lady Borton, 2009, Hội họa Việt Nam hiện đại thuở ban đầu, Nxb thế giới.
Histoire de l’art, 1995, Larousse.
Herbert Read, 2001, Lịch sử hội họa thế kỷ XX, Nxb Văn Hóa Thông tin
Maurice Grosser, 1999, Để thưởng ngoạn một tác phẩm hội họa, Nxb Mỹ thuật.
Mai Xuân Hưng, 2023, Nét đẹp chợ nổi miền Tây Nam Bộ trong hội họa Việt Nam, Luận văn Thạc sĩ, ĐH Mỹ Thuật TPHCM.
Nguyễn Hoàng Huy, 2002, Thiền tông từ hội họa đến phong cảnh, NXB TP HCM
Nguyễn Ngọc Mai, 2016, Hội họa Thành phố Hồ Chí Minh, Luận văn Thạc sĩ, ĐH Mỹ Thuật TPHCM.
Nguyễn Thị Thu Trang, 2015, Mối liên hệ giữa cuộc sống – nghệ sĩ – tác phẩm trong hội họa hiện đại Việt nam, Luận văn Thạc sĩ, ĐH Mỹ Thuật TPHCM.
Nguyễn Hữu Thanh, 2015, Hình tượng xuồng ba lá miền Tây nam bộ trong hội họa Việt Nam hiện đại, Luận văn Thạc sĩ, ĐH Mỹ Thuật TPHCM.
Nguyễn Minh Tường, 2018, Nông thôn Tây nam bộ trong hội họa VN giai đoạn 1975 đến nay, Luận văn Thạc sĩ, ĐH Mỹ Thuật TPHCM.
Phạm Thị Chỉnh (2005), Lịch sử Mỹ thuật Việt Nam, NXB Đại học Sư phạm Hà Nội.
Paul Eluard, 1952, Anthoplogie des Écrits sur l’art. Editions cercle d’art.
Sister Wendy Beckett, 2005, Câu chuyện nghệ thuật hội họa từ tiền sử đến hiện đại, Khai K. Phạm dịch
Tạp chí Mỹ thuật, Hội Mỹ Thuật Việt Nam
Tiếp Nhân, Vệ Hải, 2004, Từ điển Mỹ thuật hội họa thế giới, Nxb Mỹ thuật
Văn Ngọc, 2004, Đi trong thế giới hội họa, Nxb Trẻ
Vũ Hiệp, 2015, Tinh thần khai phóng của nghệ thuật, nxb Mỹ thuật.
Vũ Hiệp, 2018, Các cấu trúc tinh thần của nghệ thuật: một dẫn luận về trường và mạch đặc biệt trong hội họa và kiến trúc, Nxb Mỹ thuật,H.
Vũ Quốc Dũng, 2008, Tính dân tộc hiện đại trong các tác phẩm hội họa, Luận văn Thạc sĩ, ĐH Mỹ Thuật TPHCM.
Võ Thi Nguyên (2011), Phong cảnh miền Tây Nam Bộ trong mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay, Luận văn thạc sĩ Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật TP.HCM.
Chưa có bình luận nào.
Gửi bình luận