CÂU CHUYỆN THƯ VIỆN I
Đến thư viện tổng hợp gặp một cô gái người Bắc, hơi nặng cân, ngồi chung ở salon nơi khu vực tranh luận đàm thoại nhưng các độc giả thanh niên thường dùng nơi đó ăn cơm trưa và nghỉ ngơi. Bà già cũng mang phần cơm trưa của mình đến ăn nơi đây. Cô gái khá vui tính. Hỏi đang học gì? học cao học khoa sản ở bệnh viện Từ Dũ. Từ Bắc vào Sài Gòn. Đã học Đại học Y dược ở Hà Nội đã tốt nghiệp và mới có chứng chỉ hành nghề vào tháng 7 vừa qua. Cô ấy lấy cơm trong một bịch ni lông và xúc xích, cả hai bỏ vào một hộp nhựa. Cô ấy ăn rất ngon. Hỏi mỗi ngày em tốn bao nhiêu tiền thức ăn? Cô ấy trả lời khoảng 50.000 đồng; hôm nay em phải mua cơm vì nồi cơm điện bạn em đã dùng nấu cơm rồi. Em mua xúc xích ở siêu thị, ăn tạm ngày hai bữa. Nhà em ở miền bắc, mỗi tháng em chi tiêu 5 triệu đồng; 2 triệu em đóng tiền trọ; một triệu rưỡi em dùng cho thức ăn và một triệu rưỡi còn lại em chi linh tinh. Em chưa đi học thực tập hay làm việc thêm gì ạ? Em chưa có thu nhập và chưa tìm được việc làm. Nhìn cô gái cũng khá tươi vui không cảm thấy tự ti thay mặc cảm chút nào, cô ấy nói chuyện rất thoải mái và không cảm thấy rằng mình đang nghèo trong thành phố này. Chợt nhớ đến ngày xưa còn là sinh viên tôi cũng như thế; tuy được nuôi nhưng lúc nào cũng túng thiếu vì phải mua sách, mua những thứ linh tinh, dù lúc đó cũng có công việc làm bán thời gian nhưng việc ăn uống và mua sắm quần áo rất giới hạn. Điều đáng ngạc nhiên là không bao giờ nghĩ đến tương lai mình như thế nào? cũng rất vui vẻ sống như cô gái này. Cảm thấy ở Sài Gòn có quá nhiều thành phần, những cuộc nghiên cứu xã hội học đều cho rằng mỗi người phải chi tiêu một tháng khoảng 500 đô la không kể tiền thuê nhà. Những cuộc nghiên cứu xã hội trên trời không thực tế. Nhớ đến bài viết của Lý Lan cách đây 10 năm một sinh viên cũng kể là một ngày chỉ chi 1 đô la cho thức ăn và cô sinh viên ấy cũng vui vẻ kể một đô la cô ấy mua sắm như thế nào để ăn cho đủ chất. Lý Lan ngạc nhiên một đô la làm sao mà sống đủ cho một ngày để có thể đủ chất mà nuôi dưỡng trí óc bằng vật chất để tiếp thu những cái bài giảng hóc búa trên giảng đường. Những người tuyển dụng cho các công ty nước ngoài; các công ty châu Âu , Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông,... đều chê sinh viên Việt Nam không có nhiều sức khỏe để có thể làm việc tại các nước ấy. Thực trạng của sinh viên Việt Nam thiếu thông tin về mặt về kỹ thuật, về khoa học xã hội và cả về dinh dưỡng nữa. Làm thế nào họ lớn về trí tuệ về thể chất được như những người Nhật, người Hàn Quốc, Người Đức, người Pháp, người Mỹ, người Canada, người Úc…
Buồn thiu
Muốn viết một bài viết về thư viện những hình như đã viết rồi mà để lạc đâu mất bây giờ đi tìm không thấy; kể lại rằng thư viện là nơi rất quan trọng cho những sinh viên, học sinh nghèo thiếu tài liệu nghiên cứu họ chỉ cần đến thư viện tìm hiểu đọc sách về một đề tài nào đó thì có thể có một công trình lớn cho chính bản thân. Tôi đã gặp Giáo sư Trần Văn Giàu ở tại thư viện Khoa học xã hội ông nói rằng ông có 10 năm ngồi tại thư viện để viết sách nhưng quan trọng hơn với những kiến thức ấy phải làm cho ra một tác phẩm gì giúp ích cho đời. Nhớ là Lão Tử người từng là thủ thư của tàng kim các đời nhà Châu. Ông đọc trăm ngàn quyển sách và sau đó không muốn viết gì, người giữ thành năn nỉ lắm ông mới viết để cho ra đời sách Đạo Đức Kinh và sau đó trở thành một quyển sách có nội dung ngàn năm sau chưa sách nào vượt qua.
Người ta đến thư viện để làm gì? để ẩn tu khi thất bại, khi nghèo túng, cũng khi chưa có công ăn việc làm, cần một nơi yên tĩnh để học thi, ….
Tại thư viện tôi đã gặp một TVT khi còn trẻ từ một sinh viên ở một vùng đất miền Trung nghèo khổ đã đến Sài Gòn ghi danh học Cao Học viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh. Người này ngồi suốt ngày ở thư viện của viện này mượn những quyển sách hình bằng tiếng Anh của trẻ con, lọ mọ tra từ điển dịch qua tiếng Việt bán cho những nhà xuất bản và bản quyền chỉ được 10 quyển sách, nếu bán được thì đó là tiền tác quyền. Người này ngồi suốt ngày tại thư viện Trưa nằm ngủ gà ngủ gật trên các ghế; chỉ uống nước; không ăn trưa vì không có thu nhập nhiều để sinh sống nơi thành phố xa hoa. Sau đó nhờ những quyển sách của các nhà xuất bản có đề trên người dịch nên TVT được các trung tâm ngoại ngữ mời về dạy tiếng Anh cho các trẻ con. Từ đó TVT được mời về nhà dạy thêm với số tiền học phí khá hơn. Các phụ huynh cũng thấy ngưòi thanh niên trẻ có chí học tập, đứng đắn nên cũng cùng nhau thành lập lớp học với thầy T. TVT có uy tín, được giúp đỡ học bổng đi Úc và sau đỏ TVT lấy bằng tiến sĩ tại Úc. Trở lại Việt Nam, người này cố gắng thành lập một trường đại học ở một tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long và kết giao với các người quen có chức vụ và học hàm học vị; tuy nhiên thất bại vì TVT không thể làm hiệu trưởng. Vào năm 2005 có quy chế ra tư thục TVT được một công ty ngoại quốc tài trợ và thành lập trường Đại học tại Sài Gòn người này làm chủ tịch và hiệu trưởng trường Đại học này càng ngày càng phát triển. Cũng từ thư viện mà TVT làm nên nghiệp lớn.
Thư viện đã giúp đỡ cho bao nhiêu người thanh niên trẻ thành danh. Chưa có một công trình nghiên cứu nào viết hết về sự ích lợi của một thư viện.
Ngày hôm nay những thư viện ở các tỉnh thành khác hay phường, xã, … đều vắng bóng người đọc đấy là một thiệt thòi lớn nhất cho những người trẻ họ không còn có nghị lực để nghiên cứu, đọc sách. Họ dùng internet, dùng sách PDF họ dùng những phương tiện kỹ thuật mới để tìm tài liệu một cách dễ dàng hơn nhưng họ không hưởng đưọc không khí học tập, môi trường yên tĩnh của thư viện để có thể tạo nên một công trình lớn nào hay một sự nghiệp lớn nào. Họ từ chối thư viện và họ đùa cợt với những người già chỉ biết đọc sách giấy mới đến thư viện. Nhưng tôi vẫn cảm thấy sự cần thiết của thư viện để có một môi trường học tập yên tĩnh. Bạn tôi, một giáo sư ở ĐH Kyoto, chuyên gia nghiên cứu về Polymer, đang bị bệnh nhũng não, phải ngồi xe lăn làm việc; cách đây 3 tháng, đã viết rằng bạn ấy phải dành nhiều thời gian vào thư viện ĐH để lấy tài liệu trưóc khi bạn ấy vào viện dưõng lão ở Osaka để hoàn thành một quyển sách.
Nghiên cứu không thể tách rời thư viện.
Đấy mới là nơi những nhà nghiên cứu sáng tạo nên cái mới trên những quyển sách mà trang giấy vàng khè và mốc meo của thời gian.
Các quán cafe sách cũng được thành lập, nhưng không có một chủ quán nào đủ can đảm mua sách nghiên cứu chuyên ngành đầy đủ.
Ít ra , thư viện tổng hợp xây dựng trưóc năm 1975 đã chứa bao nhiêu sách từ thời Pháp thuộc đến hôm nay.
P/s: thành thật mà nói tôi không thích những người xin tôi tài liệu khi họ nghiên cứu cùng đề tài với tôi. Tại sao họ nhân danh là người nghiên cứu mà không biết một thư viện nào cả? Họ là người nghiên cứu dỏm. Tôi phải mất bao nhiêu thời gian, bao công sức, tiền bạc, sức khỏe tiếp cận những tài liệu gốc bằng giấy đầy vi khuẩn....Họ ngồi phòng lạnh và...xin tôi. Chán chưa.
18.9.2024
Chưa có bình luận nào.
Gửi bình luận