Article Image

Thăm bạn cũ

CHUYỆN MỖI NGÀY
Đúng 9 giờ sáng, tôi đến nhà anh Phan Đăng Thanh theo lời hẹn. Một căn biệt thự đẹp, đầy dấu ấn của những con người trí thức. Anh tiếp tôi niềm nở và trò chuyện về quyển sách Nhân quyền của người Việt từ Bộ luật Hồng Đức đến Bộ luật Gia Long, công trình mà anh và vợ – luật sư Trương Thị Hòa – đồng tác giả. Một cặp vợ chồng đẹp, thành công, sống có chiều sâu và giữ được bản sắc riêng với cuộc sống phong lưu. Anh chia sẻ, quyển sách này là kết quả của 27 năm chuẩn bị. Hai vợ chồng đã viết gần 30 tác phẩm, mỗi quyển đều mất từ 10 đến 20 năm để hoàn thành, giữa lúc vẫn giảng dạy, biện hộ tại tòa và tư vấn kinh tế cho các tập đoàn lớn.
Họ không có con, nhưng sống trọn vẹn trong sự tôn trọng của giới trí thức. Họ đều có học vị, học hàm, có uy tín trong cả giới “xanh” lẫn “đỏ”, đủ để giao thiệp nhiều tầng lớp khác nhau một cách thoải mái, tự nhiên.
Chị Hòa, năm nay 76 tuổi, sức khỏe vẫn ổn. Anh Thanh thì từng có thời điểm suýt mất mạng vì bệnh tim, phải mổ tim và sau đó còn phẫu thuật vùng cổ gáy để sắp xếp lại các dây thần kinh – một ca mổ giúp anh thoát khỏi chiếc xe lăn. Hiện nay, tay anh hơi run, không sử dụng được máy tính, nên tất cả bản thảo đều được viết tay, sau đó đưa chị Hòa đọc sửa rồi học trò của chị đánh máy thành sách.
Căn nhà ngập tràn sách và tài liệu, chất đầy hai bàn làm việc, ghế, cả trên trường kỷ. Không ai được phép dọn dẹp, và hình như anh chị cũng chẳng thấy cần. Cái bừa bộn ấy, theo một cách nào đó, lại là biểu hiện của một dòng tư duy tự do và đang vận hành.
Tôi ngồi lặng ngắm không gian xung quanh. Trong không khí thân tình, anh Thanh chia sẻ say sưa về quá trình nghiên cứu, điểm mới của tác phẩm, và khẳng định tầm quan trọng của việc đọc lại lịch sử pháp luật Việt Nam dưới lăng kính nhân quyền. Anh nhắc lại nhận định của Petrus Trương Vĩnh Ký rằng dưới triều Gia Long có hai điều đáng khâm phục: Thứ nhất là việc mở mang giáo dục; thứ hai là ban hành bộ luật Gia Long, thể hiện tinh thần nhân quyền của người Việt. Trái với quan điểm của nhiều sử gia cho rằng luật Gia Long chịu ảnh hưởng từ pháp luật nhà Thanh hoặc luật của Pháp, Petrus Ký cho rằng đây là sản phẩm của người Việt. Dựa trên kiến thức chuyên sâu của một luật gia, anh Thanh đã đối chiếu bộ luật Hồng Đức và Gia Long để chứng minh quan điểm này.
Khi cuộc trò chuyện chuyển sang đời sống thường nhật, tôi được biết chị Hòa không chỉ tham gia viết sách mà còn lo toan mọi sinh hoạt trong gia đình: đi chợ, nấu ăn, chăm sóc cây cối, chăm sóc chồng, đọc và hiệu đính bản thảo. Ít có trường hợp nào trong giới luật sư thành đạt lại có một sự kết hợp hài hòa giữa công việc và vai trò gia đình đến vậy – vừa tận tụy, vừa đầy tinh tế và hiểu biết.
Hỏi đến chuyện xuất bản, anh lắc đầu cười: vẫn chỉ được 12% tác quyền. Khi bắt tay vào viết sách, anh cho biết cần tự hỏi mình những câu sau:
• Viết cho ai? Đối tượng nào sẽ mua và đọc?
• Viết theo văn phong nào – hàn lâm hay phổ thông?
• Cuốn sách có giá trị gì đối với lịch sử, văn hóa, giáo dục?
Và để trở thành một người viết sách nghiên cứu, cần hội đủ ba điều kiện:
• Tài năng
• Tài liệu
• Tài chính
Nói đến đó, chúng tôi cùng cười nghiêng ngả. Chúng tôi đã quá quen với sự gian nan, nhưng cũng đủ bình thản để đùa vui với những đòi hỏi khắc nghiệt của nghề làm sách học thuật.
P/S : Luật sư TS Phan Đăng Thanh, Luật sư TS Trương Thị Hòa, Bố con gái tôi và tôi học chung lớp cao học ở Viện Khoa Học Xã Hội vùng Nam Bộ thời 1990. Lúc đó GS Mặc Đường làm viện trưởng tổ chức lớp học qui tụ rất nhiều thành phần muốn đi học trên đại học (thời gian này chưa có trường ĐH hay Viện nào mở lớp trên đại học cả nhất là ngành Khoa học Xã hội, mặc dù các ĐH công đã tổ chức ĐH hệ mở rộng – không chính quy). Trong trên 200 học viên có những người đã lên đến chức Ủy viên TW Đảng, có người thuộc thành phần bất đồng chính kiến với Nhà Nước. Tôi chỉ nhớ là có những buổi học tranh luận tự do rất vui.
Khi tiễn tôi ra về, anh Phan Đăng Thanh còn nhắc đến có một người bạn học của chúng tôi sắp vào lò : Trương Hòa Bình. 😙🙃🙃🙃

Chưa có bình luận nào.

Gửi bình luận