ĐI ĂN CHUNG
1.Một sáng chủ nhật,
mùa thu. Chị mở cửa sổ phòng ngủ lúc 7 giờ. Những sợi dây lòng thòng rủ bên
ngoài. Dây điện màu đen, dây cáp của wifi màu trắng, che khung trời đẹp; Chị muốn
ngắm con mèo tam thể đang liếm lông sưởi nắng trên mái nhà bên cạnh. Không thể
chụp ảnh, không thể mơ mộng với khung cảnh trần tục. Không có màu xanh của lá,
chỉ là những bức tường xám,… Có cố gắng tưởng tượng đến đâu cũng chỉ mô tả hình
ảnh khô cứng của những bức tường che chắn mặt trời.
Làm gì sáng chủ nhật nắng ấm này.
Không có hội hè.
Không có một cuộc hẹn nào? Không một quyển sách mới nào được in trong tuần vừa
qua để Chị có thể rời khỏi giường tìm một quán café vắng nào đó nhâm nhi ly
chanh tuyết, đọc sách.
Nằm lại trên giường
có lẽ thú vị hơn
Chập chờn ngủ. 10
giờ thức giấc. Cũng không biết làm gì. Tối hôm qua cô gái làm biên tập viên cho
môt đài phát thanh đến nhà chơi. Ăn tối và cô ấy đã dọn rửa phòng bếp sạch
trơn; trước đó để đón cô gái này Chị đã vệ sinh, thu xếp nhà cửa ngăn nắp và sạch
bóng.
Nhìn chung quanh,
chẳng còn gì làm, chỉ nấu một ít thức ăn sáng.
Một sáng chủ nhật
trời đẹp, nhưng không biết hoạt động tay chân như thế nào; tuy trong đầu đầy
phiền muộn, không thể viết được, cũng có khi muốn viết nhiều thứ, không biết
nên viết việc nào trước, chuyện nào sau. Giải pháp, xem phim trên Netflit. Tự
an ủi, giải trí giống như xem phim ở CGV thôi. Ngủ đến 3 giờ chiều. Cảm thấy,
không thể ở nhà nhớ chuyện xưa tích cũ được. Than thở trong bộ não là môt hành
động nguy hiểm, gây ra trầm cảm.
2.Quán hủ tiếu
Nam Vang trong một hẻm nhỏ ở đường Võ văn Tần. Chị đứng tần ngần không có bàn
trống. Thằng bé bán quán đề nghị chị vào ngồi cùng bàn với một người đàn ông trạc
40, có vẽ đứng đắn. Chị đã đến đấy ăn hủ tiếu rất nhiều lần, có lẽ gần 30 năm rồi,
nên không lạ gì những nam giới đi ăn một mình tại quán này (trông giống như để
vợ con ở nhà tìm thú vui ăn một mình). Quán nổi tiếng bán hủ tiếu Nam Vang ngon
và hình như có được khen ngợi trên báo, trang ẩm thực đường phố Saigon.
Chị không ngần ngại
chào hỏi, lịch sự, người chỉ đáng tuổi con cháu. Nhìn người đối diện, giông giống
như một Việt Kiều. Cũng phải nói chuyện cho vui chút chút:
-
Tôi biết quán ăn này từ khi con gái tôi 3 tuổi, bây
giờ nó trên 30 rồi. Họ bán đắt hàng lắm và tôi nghĩ có lẽ họ cũng giàu, nhưng họ
cứ bán ở tại cái hẻm nhỏ. Họ không dời đi, không phát triển thành một tiệm ăn lớn.
Người đàn ông gật
gật đầu, nhưng không nói gì. Chị cũng im. Chị không nghĩ người này cho rằng chị
có ý không tốt, vì chị đang đội một nón kết che những lọn tóc bạc, ngoài ra
hình như cái áo chemise trắng của chị cũng cùng kiểu với áo của người đó. Câu
nói của chị không phải chỉ làm quen mà là giới thiệu một quán ăn đường phố của
Saigon.
Người này ăn tô hủ
tiếu với xương ống, Chị kêu một hủ tiếu nước. Người ấy thủng thỉnh ngắt các loại
rau bỏ vào tô. Bưng nguyên tô nước xương ống đổ vào tô hủ tiếu. Dùng đũa trộn hủ
tiếu đúng cách của người Đông Á: Hàn quốc, Nhật Bản, Trung quốc, Việt Nam,..?
Sau đó, người này xẻ một phần thịt của ống Xương bỏ vào tô của chị. Ngạc nhiên,
Chị buộc miệng:
- Cám ơn
Ông ấy nói nhỏ nhỏ một ngôn ngữ nào đó, hình như là
tiếng Pháp.
- Vous êtes Français
Ông ấy im lặng
- You are French
- I am Japan
Thế là chịu. Tiếng Pháp
còn nghe được. Tiếng Anh biết chút chút, còn tiếng Nhật thì chỉ biết cười, hình
như người này cũng chỉ biết cười. Không biết làm sao mà người này gọi hủ tiếu
Nam Vang ăn với xương ống được. Tuy nhiên khi ăn xong, ông ấy lẩm bẩm nói cái
gì đó với chị và còn giơ bắt tay nữa.
Chị gọi người tính tiền. Cậu bé phục vụ nói: Ông
lúc nảy tính tiền rồi.
Lấy xe gắn máy. Cô gái giữ xe hỏi:
- Năm nay bà bao nhiêu tuổi?
- Trên bảy mươi
- Bà giỏi quá. Bây giờ mỗi
ngày bà uống một lon bia nha bà. Con thấy ông hàng xóm của con trên 90 tuổi khoẻ
mạnh còn đi xe máy là nhờmỗi ngay uống một lon bia đó.
Uống bia ư! Muốn lăn ra
cười quá. Trà, café, bia, rượu,…chưa bao giờ có trong nhà của chị. Bây giờ cô
bé này đề nghị uống bia để sống thọ.
3.Trên đường về
nhà chợt nghĩ đến một vấn đề xã hội: càng ngày càng có nhiều người lớn tuổi đi
ăn một mình, đi chơi một mình, sống một mình… Bởi lẽ con cái lớn có gia đình
riêng, lo cho chúng nó, không có thời gian lo cho cha mẹ. Tự nhiên các bậc cha
mẹ phải tự lo chính bản thân mình. Có lẽ nên xây trường học cho các bậc lão
thành hàng ngày gặp nhau để trò truyện,
ăn chung, học hay làm điều gì mà tuổi trẻ họ không làm được… Đây không phải là
nhà dưỡng lão mà là nhà làm việc hạnh phúc cho người cao tuổi. Không phải ra
công viên nhảy đầm, hát hò (các con và những người trẻ sẽ phê bình xấu hổ)…
Hoặc những người đang sống
một mình kết bạn với nhau, lâu lâu rủ nhau đi ăn chung, có khi ngồi bên nhau,
yên lặng ăn, … như thế cũng vui rồi. Nhu cầu hạnh phúc của những người lớn tuổi.
Nói chuyện với người bạn
ở trời Tây ý kiến trên. Cô bạn này liền kể Má cô ấy cũng đi ăn một mình ở nhà
hàng gặp 2 cô gái Việt Nam. Hai cô đến làm quen, còn nói con thấy bà giống bà
ngoại của con, con nhớ bà ngoại con quá. Các cô ấy xin phép được trả tiền buổi
ăn đó. Má chị bạn về kể cho cả nhà nghe có những người trẻ biết tôn trọng người
già, Chị của chị bạn nổi nóng, la lớn: Các bà không biết giữ sĩ diện cho con
cái, để cho người lạ xem như ăn mày, ăn xin, bố thí bữa ăn, còn về khen ngợi.
Như thế còn chưa biết nhục, người Việt Nam hèn quá…
Gia đình cô bạn của Chị
náo loạn lên vì cuộc tranh luận này.
Và, Chị đang tự hào rằng
trên 70 tuổi còn có người lạ đãi ăn, không cần phải xinh đẹp, trẻ trung mới được
mời ăn,…niềm hãnh diện đó như bong bóng xì hơi quá nhanh, quá lẹ…
Thôi thì phải học theo
sách của Keith Ferrazzi: “ Đừng bao giờ đi ăn
một mình”. Phải lập nhóm ĐI ĂN CHUNG.
Chưa có bình luận nào.
Gửi bình luận