Article Image

Mây muốn về trời mây cứ bay, Ta muốn vào đời ta cứ say …HHP

MÂY MUỐN VỀ TRỜI

 

Mây muốn về trời mây cứ bay,

Ta muốn vào đời ta cứ say …

                                      HHP

 

Người đàn ông tì tay trên lan can cầu lặng lẽ nhìn dòng nước lóng lánh ánh trăng và ánh đèn đang chầm chậm chảy phía dưới. Ánh trăng chiếu chênh chếch trên mặt nước tạo thành những dãi bạc lấp lánh nhấp nhô, như khoe mình thi đua phô diễn nghệ thuật dưới ánh sáng đỏ ối của những bóng đèn trên thành cầu và của những chiếc ghe thương hồ cặm sào hai bên bờ sông. Ánh đèn, ánh trăng lao xao, dao động. Những người đàn ông lực lưỡng đang vác từng quày chuối hay những quày dừa nặng, nhúng nhảy, nhẹ bước trên mảnh ván bắt từ chiếc ghe đến bờ sông, để mang vào các vựa trái cây trong lồng chợ. Tiếng cải cọ, chào hỏi, cười đùa, tạo thành một hoạt cảnh sống động ở bến ghe. Trên cầu, xe cộ, người người qua lại vội vã. Một đám trẻ con đang nắm tay nhau reo cười, hò hát gần trạm gát.

Người đàn ông đứng im lìm, bất động, mi mắt sụp xuống, suy tư.

Người ấy không giống người thành phố, cũng không cục mịch như dân quê. Bộ quần áo màu xám may vừa vặn đối với khổ người quá tầm. Vẽ ngoài xuềnh xoàng nhưng là thứ xuềnh xoàng của một người thanh lịch, khỏe mạnh, vai ngang, lưng rộng. nét mạnh bạo biểu lộ qua làn da rám đen, trên cánh tay trần gân guốc và nhất là ánh mắt sáng rực lửa ẩn dưới đôi lông mày rậm và vầng trán phẳng. Một người đàn ông hoàn chỉnh từ quần áo đến sắc vóc.

Lúc ban đầu có một vài em bé lân la lại gần bắt chuyện, nhưng sau đó thấy người khách lạ lơ là, nghiêm nghỊ, chúng nó bỏ đi. Vốn dĩ, người dân Sài Gòn thường dững dưng với những người chung quanh không liên hệ hay phá rầy gì họ, nên cũng không bận tâm đến hình ảnh cô độc nọ.

Khách qua đường vẫn đi, dòng nước dưới chân cầu vẫn chảy. người đàn ông đứng đó như thả hồn trong cơn tịnh định, quên hẳn thế giới bên ngoài. Dĩ vãng chợt đến, chợt đi. Thị Nghè ngày xưa bây gi thay đổi quá nhiều. Cây cầu sắt với những mãnh ván ghép gập ghềnh, được thay bằng cây cu đúc xi măng vững chải. Khu chợ ven sông ngày xưa. Đường phố ngày xưa, những căn nhà lá lụp xụp, những bãi đất trống bỏ hoang, được thay bằng một dãy phố lầu san sát nhau.

Và, cả người xưa nữa cũng không còn. Gương mặt người đàn ông ưu tư như đắm chìm trong dỉ vãng. Kỷ niệm xưa trở về cuồn cuộn.

Thị Nghè ơi, Thị nghè ơi!

Nhớ nhau xa mãi, từ thời bỏ đi.

            x          x          x

-     Hữu, anh bỏ thứ này nha, nếu không, tôi sẽ đi.

Người đàn bà nâng cánh tay của người thanh niên lên, vừa nói, vừa nhìn  với cặp mắt u uẩn. Người thanh niên tên Hữu cũng lặng lẽ nhìn lại nàng, với cặp mắt lờ đờ, chán nản, như không nghe rõ câu nói. Cánh tay trần khẳng khiu được đưa gần ngọn đèn dầu, soi rõ những đường gân xanh nát bấy bởi những vết kim. Ống tiêm trên tay người đàn bà chứa một loại nước đục ngầu trăng trắng. Nàng nhẹ nhàng ấn nó vào đường gân xanh và bơm từ từ vào. Hữu nằm ngay đơ trên giường, ánh mắt lóe lên một chút ánh sáng rồi sụp mi xuống lim dim, sảng khoái.

Người đàn bà nhìn Hữu thật nhanh rồi cúi xuống thu gọn lại hộp kim chích.

-       Tôi xin anh, Hữu, anh giết đời anh bằng thứ thuốc ghê gớm này. Nếu anh không bỏ nó, tôi sẽ không gặp anh nữa.

Rồi nàng nói trong giận dỗi:

-       Ngày mai tôi không tiêm cho anh nữa đâu!

Ừ! Ngày mai, mấy cái ngày mai rồi, Thanh vẫn không thể thực hiện được lời nói. Nhìn người con trai quá trẻ này mà nàng thương. Vầng trán cao, cặp mắt to nâu có đuôi dài, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ kia có thể hấp dẫn đối với những cô thiếu nữ khác, nhưng với nàng, một thiếu phụ sống lăn lộn nhiều với đời, thì không thể bị cuốn hút theo nhân dáng đó được. Nhưng, thế mà, nàng đã ngã vào vòng tay của Hữu. Nơi Hữu có một sức sống nào đó lôi cuốn. từ tia nhìn, từ giọng nói, từ nụ cười? Không, chắc là cái khác. Cái khác đó phát xuất từ tâm hồn tinh tế của một nghệ sĩ. Nó như hòa một nhịp với tâm hồn của nàng, khiến nàng nhớ lại người chồng đã khuất.

Thanh gặp Hữu tại nhà bố chồng của nàng. Ông Lê, một văn sĩ nổi tiêng một thời, giờ đây kéo dài cuộc sống trong sự đói khổ vô vọng. Hữu là một trong những người mến mộ tài năng của ông mà tìm đến. Từ sự cảm thông này đến sự cảm thông khác, ông Lê “mê” tuổi trẻ của Hữu, mê nhiệt huyết của Hữu. Hữu thì say sưa, kính trọng tấm lòng, kinh nghiệm của ông Lê, để rồi cả hai trở thành đôi bạn vong niên.

Ngày Thanh gặp Hữu lần đầu tại nhà ông, ông đã giới thiệu với náng:

-       Hữu, thiên tài mà bố mới bắt được đấy!

Rồi ông quay sang chàng trai:

-       Con gái của tao, vợ thằng Linh vắng số…

Lúc đó, nghe nhắc tên chồng, nàng chợt xúc động, cũng không để ý đến người thanh niên khoảng tuổi hai mươi này.

Nàng cũng biết nhiều về tánh tình ông Lê. Ngày xưa hiền triết Dyogène đốt đèn ban ngày đi tìm Người, thì hôm nay, ông Lê cũng đốt đèn đi tìm thiên tài. Ông đã có một thời oanh liệt vùng vẫy một minh trên văn đàn. Từ các cô gái đởm đáng đến các cụ già khó tính, từ người thanh niên đủ đầy nhiệt huyết đến đứa trẻ nhỏ chưa lọc lõi trong cuộc sống cũng đếu say mê truyện của ông. Nhắc đến ông Lê ai cũng biết. Sách của ông bán chạy như tôm tươi. Truyện của ông Lê, các bậc cha mẹ khỏi cần kiểm duyệt trước khi cho con cái đọc. Truyện của ông Lê viết bằng tấm lòng. Văn của ông Lê nóng hơn lửa. Mẫu người hùng yêu nước của ông Lê được hàng vạn thanh niên lấy đó làm mẫu mực, được hàng vạn cô thiếu nữ ước mơ.

Đời sống của ông Lê cũng là một cuộc sống từ tấm lòng thương yêu của ông. Thời còn oanh liệt, ông nuôi rất nhiều đàn em. Đàn em của ông, đối với ông, đều là thiên tài… Những người từ “lò” ông Lê ra, nếu không nổi danh thì cũng sống đáng mặt là người tốt, nếu có danh thì phải là thiên tài chớ không phải là hạng văn sĩ tép riu.

Người bố chồng của nàng chỉ có một ước mơ duy nhất vào cuối đời là tìm thiên tài. Nàng về làm dâu nhà ông, ông xem như con đẻ. Nhưng, sự nghiệp văn chương của ông bắt đầu suy sụp. Nhà ông nuôi toàn chó và mèo. Ông bảo sống với mèo với chó hạnh phúc hơn sống với con người. Nói về chó và mèo của ông là một bi kịch. Lời ông nói ngày nào: “Lão Lê mà nghiện thuốc phiện là vì lão Lê muôn nghiện chứ không phải thuốc phiện làm lão nghiện”. Ông đã làm đúng lời đó. Ban đầu còn bánh thuốc, sau đó sái, đến maxiton…Ông bước dần xuống, bước dần xuống bước đường cùng của một nhà văn không đạt chí.

Hữu xuất hiện trong căn nhà đó, trông như trẻ con. Hữu ngồi yên lặng trong suốt buổi nói chuyện, trong khi “các thiên tài mầm non” nói oang oang.. Tuy nhiên, cái đám “thiên tài mầm non” đều ngắm nghía Thanh, trong đó có Hữu.

Một lần vào ngày giỗ của chồng, Thanh không còn tiền. Thanh đến nhà ông Lê cũng không có ý định than vãn, nhưng vì buồn mà đến, thế thôi. Ông Lê không có ở nhà, chỉ có Hữu đang nằm giữa đám mèo và chó ngâm thơ cho chúng nó nghe. Ngồi buồn, nói chuyện, Thanh buộc miệng kể lại tình cảnh của nàng. Hữu lặng lẽ ngồi nghe, rồi nói:

-       Chị ngồi đây, đợi ông Lê về. tôi đi đến tòa soạn một chút, có mấy cái bài đăng báo, hy vọng có chút đỉnh gì.

Hữu đi một lúc rồi trở lại, trong tay có một nắm tiền đưa cho Thanh. Thanh ngạc nhiên, xúc động.

Buổi chiều đi tảo mộ chồng Thanh, Hữu đi theo. Cả hai ngồi bên ngôi mộ nhìn chiều xuống. Những đám mây trắng bay là đà trên nền trời xám. Thanh chợt hỏi:

-       Ban sáng Hữu lấy tiền ở đâu?

Hữu ậm ừ:

-       Nhuận bút của mấy bài thơ ấy mà!

Thanh nhìn thẳng vào mắt Hữu. Nàng thò tay vào túi áo sơ mi của Hữu rút ra một tờ giấy cầm đồ.

-       Sao Hữu nói dối tôi?

Bản tay nàng rơi xuống đùi Hữu. không biết Hữu đã nắm tay Thanh hay Thanh đã nắm tay Hữu.

Thanh ngã vào vòng tay Hữu. Vì xúc đông? Vì cô đơn? Vì tinh yêu? Hay vì cái gì? Thanh không phân tích được. Người đàn bà đã có một đời chồng, đã khá khôn ngoan để vượt mọi khó khăn, cạm bẩy của cuộc sống,.. đã không thể thoát được sợi dây tình cảm giăng mắc của Hữu. Hữu chỉ có một tấm lòng điều này làm bật dậy tinh cảm của nàng. Bao hiểu biết, bao kinh nghiệm của cuộc sống trước viễn cảnh tối đen của tương lai. Tất cả đều bay mất hết, những lo âu, những phiền muộn, những suy tính, đều bị phá vỡ. Thanh chỉ còn là người đàn bà biết yêu và được yêu trong vòng tay của Hữu.

Hữu là một thi sĩ. Tâm hồn nhạy cảm một cách đặc biệt. tâm hồn đó đã phả vào trang giấy, khắc vào những câu thơ những nét thần tình, sắc bén và tế nhị. Thơ của Hữu ào ạt chảy, đôi khi như cuồng lưu, đôi khi như lửa đỏ hừng hực nóng. Thơ nung nóng hồn người, nó nâng cao lòng người để mọi người cùng cảm thông với những gì chàng đã cảm thông, cùng chua xót với những gì chàng đã chua xót. Ngòi bút đó, câu thơ kia, cùng tấm lòng bồng bột đầy nhiệt huyết tươi trẻ của Hữu nếu đem ra phục vụ cho nhân dân, cho dân tộc thì…

Hữu yêu Thanh như Hữu yêu thơ. Hữu phả lữa vào thơ thì Hữu cũng yêu Thanh cuồng nhiệt. Hữu đem vào thơ một sức sống mãnh liệt thì Hữu cũng mang vào đời Thanh một niềm hạnh phúc to lớn và một nỗi khổ vô biên.

Những ngày hạnh phúc tiếp nối, tiếp nối. Thanh chỉ chực tìm mọi cách để chìu lòng Hữu, để làm Hữu vui. Hữu thì tìm đủ văn hay tứ đẹp làm thơ ca tụng Thanh. Tình yêu của hai người còn ở trong vòng bí mật. nhưng làm sao giấu được khói, nhất là khói của tình yêu.

Ông Lê thường cười cười, nói nói với Hữu:

-       Này, Hữu, chịu con Thanh không, tao gả cho. Trai anh hùng, gái thuyền quyên. Tối tối mầy làm thơ cho con Thanh nó ngâm. Tao nằm ghé bên hút sái thì tuyệt hết chỗ nói. Con Thanh nó ngâm thơ thì khỏi chê.

Điều này Hữu biết từ khuya. Thanh có giọng ngâm thật đặc biệt. Hồ Điệp không bằng. Nàng thuộc thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm, Huy Cận…Chồng của nàng trước kia cũng là một nhà thơ.

Hữu biết Thanh là người đoan chính, nhưng cũng không thể không chau mày mỗi khi đám bạn bè của người chồng cũ đến thăm Thanh. Chàng bực mình đến tất cả những gì nàng nhìn, nàng mĩm cười với họ. bởi lẽ, đôi mắt đó, nụ cười kia, chỉ được quyền cười và nhìn chàng mà thôi.

Mắt của Thanh đẹp, tuyệt đẹp. đôi mắt sáng và to với hàng lông mi cong vút. Có lần Hữu bảo là sao trời thấy mắt của em cũng phải khóc mà sa xuống vì không thể tranh bì.

Cặp mắt này đã gây bao nhiêu điều phiền lụy cho cả hai. Đám bạn văn thi sĩ của Hữu đã rất nhiều lần tán tỉnh nàng trước mặt Hữu “Chí lớn trong thiên hạ không đựng đầy đôi mắt mỹ nhân!”

Thật thế! Một ngôi sao thiên tài đã rụng trong cặp mắt đó.

Yêu Thanh, Hữu chỉ muốn phục vụ cho Thanh, bao bọc cho Thanh. Hữu tìm nhiều cách kiếm ra tiền để cùng Thanh chung sống. Trước khi gặp Thanh, Hữu không cần tiền. Không hề nghĩ rằng tay mình vẫn trắng, danh vọng mình chưa đạt thành. Hữu chỉ biết sống với trào lòng cuồn cuộn dâng, phả vào văn, vào thơ để nói lên những bất công, những khốn khổ của kiếp người trong xã hội, chịu bao nhiêu tủi nhục, bị kềm kẹp, bị bốc lột, mà người dân phải gánh chịu. Viết mà không cầu danh, không cầu lợi, không cầu tiền. Viết với ước mơ thực hiện một cuộc cách mạng văn hóa, chống lại cái lối dùng văn hóa để ru ngủ quần chúng, để quần chúng quên những thảm cảnh chung quanh. Viết để đưa ra một hướng văn hóa mới, phục vụ cho con người chứ không phải là một thứ nghệ thuật vị nghệ thuật lăng nhăng của một cao trào văn hóa một thời.

Bây giờ thì hết. Hữu chỉ còn ước mơ được kiếm ra tiền thật nhiều để sống với Thanh. Loanh quanh, tay Hữu vẫn trắng. Hạnh phúc của tình yêu không thể thoát khỏi sự kềm kẹp của cuộc sống. Hữu đã lê chân cùng với ông Lê khắp nẽo đường Sài Gòn để nghe chua xót trong lòng. Một già một trẻ lang thang từ chập tối đến khuya, đêm này kéo qua đêm kia, ngày này kéo qua ngày khác. Những vần thơ chua chát lại được vạch lên giấy trắng:

                                    Đất trời buồn quá đổi…

                                    Một bầy thi sĩ đói

Say sưa đỉnh ngàn sầu

Đời hèn như cát bụi….

….Ta như loài chim đêm

Khóc khi vầng trăng lên

Giữa khuya không đủ sáng

Thắp nến hồng trong tim …

Thanh cố khuyên Hữu, nhưng chàng không nghe. Cuộc sống của Hữu lún sâu trong chán nản, bi quan. Rồi vì nhu cầu kiếm tiền thúc bách, sau những đêm lang thang với ông Lê, Hữu trở về căn nhà trọ của hai người, miệt mài ngồi viết cho tới sáng để kịp giao bài cho nhà báo. Vừa mệt mi, vừa gắng sức, Hữu phải dùng thuốc phiện để tìm hứng, để tiếp sức, để tìm một chút sáng suốt do tác dụng của chất ma tùy độc hại kia mà viết.

Lại thêm ông Lê:

-       Hữu mầy ngồi tiêm cho tao hút, rồi hút với tao cho vui. Tao buồn quá! Cái đời chó đẻ này, không còn ai xứng đáng để tiêm thuốc cho tao hết, chỉ có mầy thôi Hữu. Nằm xuống đây. Mầy nên nhớ lão Lê nghiện là vì lão Lê muốn nghiện chứ không phải thuốc phiện làm lão lê ghiền đâu. Mầy còn trẻ, Hữu à! Phải thử một chút cho biết mùi với tao, và để đo cái nghị lực của mầy, coi mầy có xứng là thiên tài của tao hay không?

Lúc đó, Hữu đã cười cười đáp lại:

-       Ông đừng lo, để coi!

x          x          x

Thanh dọn nhà từ Thị Nghè về ở chung với Hữu để chăm sóc cho chàng và tránh những cơn giận dỗi, bực tức của Hữu, mỗi khi nghe đám bạn bè của chàng đến nhà riêng của Thanh.

Giờ đây, nhìn Hữu nằm trên giường, Thanh không biết phải suy nghĩ thế nào? Yêu Hữu, Thanh vẫn yêu thật nhiều. Nhưng, làm sao rứt Hữu ra khỏi cơn trụy lạc.

Hữu chợt mở mắt ra kéo Thanh ngồi bên cạnh.

-       Khuya rồi, em phải ngủ chứ, đừng lo cho anh. Anh khỏe rồi!

Giọng Thanh run run:

-       Anh uống café không? Em pha nha!

-       Nhà còn café à! Ừ, em cho anh một ly.

Hữu vươn vai, đứng dậy. Thanh bật ngọn đèn trên bàn viết, rồi lui cui đốt bếp dầu. Hữu ngồi xuống ghế, tập giấy trắng đặt trước mặt.

-       Thằng Tuấn nhờ anh viết một bài chính luận để đăng trên báo ĐV. Không biết phải viết cái quái gì đây. Em cứ ngủ trước nha!

Thanh đặt nhẹ nhàng tách café trên bàn:

-       Anh nếm thử coi vừa không?

-       Vợ anh pha thì hạng nhất. à, em uống với anh một chút đi.

Thanh kéo ghế ngồi ở mép bàn, hai tay chống cằm nhìn Hữu

-       Mặt anh dính dơ à! Sao em nhìn anh kỹ thế ?

-       Không. Hữu. Tôi có chuyện muốn nói với Hữu.

Hữu đứng dậy đi vòng qua sau ghế Thanh, vòng tay ôm ngang vai nàng.

-       Em muốn bỏ tôi à! Em có quyền tự do riêng của Em. Em không thích ở đây nữa thì em cứ đi, tôi không dám giữ. Tôi là thằng con trai tay trắng, không sự nghiệp, không tương lai. Tôi không che chở được em, không bảo bọc được em, tôi không có quyền gì trong đời sống của em.

Một giọt nước mắt rơi xuống tay Hữu, chàng xoay người Thanh đối diện với chàng, hôn lên đôi mắt ướt

-       Tôi yêu Thanh, nhưng tôi bất lực trước những cần thiết của đời sống vật chất. trong xã hội này. Yêu không cũng chưa đủ, còn phải biết làm thế nào để bảo vệ tình yêu nữa. Tôi không có điều kiện để bảo vệ tình yêu của tôi đối với em thì tôi đành chịu mất em vậy.

Thanh bịt miệng Hữu

-       Anh đừng nói thế. Tôi không đòi hỏi gì nơi anh. Nhưng, tôi muốn anh phải nghĩ đến tương lai của anh.

Hữu chua chát:

-       Thi sĩ không có tương lai, nhất là thi sĩ trong cái xã hội đốn mạt này.

-       Nhưng, anh không thể giết đời anh bằng thứ thuốc ghê gớm đó. Anh còn trẻ quá, Hữu, tôi thương anh, thương tuổi trẻ đầy cao vọng của anh. Anh phải làm được một cái gì đó. Không phải cho tôi, không phải cho anh, mà là cho những người khốn khổ chung quanh anh.

Nước mắt Thanh rơi lả chả trên tay Hữu.

-       Cám ơn em,… nhưng tôi chán tôi quá rồi.

Có tiếng ngâm sang sảng từ đầu ngỏ.

                        Chim nào có cánh không thèm bay?

                        Cây nào có gió không thèm lay?

Lòng nào có máu không thèm say?

Tiếng giày dừng lại trước cửa. Cánh cửa bật mở.

-       Chao ơi, cô cậu ấm cúng quá. Cho bố hưởng ké một chút. Kìa! Hữu, cậu làm gì mà con gái bố ỉu xìu thế?

-       A! bồ, bố ngồi chơi.

Thanh đứng dậy nói với ông Lê đang bước vào nhà.

-       Con pha cho bố tách café nha !

Ông Lê hất đầu về phía Hữu :

-       Sao vậy ?

-       Cô ấy đang cằn nhằn con về việc con tiêm thuốc. Mà thôi… Ông đi đâu khuya vậy ?

-       Buồn, đi lang thang. Nhớ đến mầy nên ghé đây một chút. Này, Thanh, con gái bố bất công nhé! Con phải biết Hữu nó mang một hoài bão vĩ đại. Nó muốn tạo nên một cuộc cách mạng văn hóa. Thiên tài của bố mà… Con phải để cho nó nếm đủ mùi khổ đau nhất, nó mới cảm thông được sự sống thiêng liêng trong trời đất, rồi mới có thể trút lên trang giấy những dóng chữ đầy thương yêu. Bởi vì, có thành thật xót thương cho chính bản thân mình rồi ra mới có thể xót thương cho cả trần hoàn vạn vật.

Ông Lê bắt đầu nói thao thao. Ông kể từ chuyện trên trời đến chuyện dưới đất. ông nhắc đến thời vàng son tuổi trẻ của ông. Ông với Hữu ngồi bàn tính một kế hoạch to tát cho tương lai của Hữu. Những mẫu chuyện mà Thanh đã nghe hàng trăm lần, nghe đến thuộc lòng.

Đột nhiên, ông Lê vỗ đùi, đứng dậy, đi qua đi lại.

-       Hay. Tờ báo của chúng ta sẽ là tờ báo đứng đắn nhất nước. Với mục đích đào tạo những con người mới của một xã hội mới. Mình sẽ hướng dẫn thanh niên phụng sự lý tưởng dân tộc lành mạnh hơn, tốt đẹp hơn, để họ bỏ đi quan niệm cá nhân chủ nghĩa. Điều này có lẽ con gái bố chịu lắm. Nhưng, con đừng lo cho bố và Hữu: Làm một nhà văn hóa là thực hiện một sứ mạng lịch sử. làm một nhà văn hóa mà lầm thì giết muôn đời, con à!

Ông Lê cười ha hả:

-       Ngày mai tao đến gặp thằng Định bảo nó trả tiền bản quyền quyển sách của tao, rồi tao với mày dành dụm tiền làm báo. Hữu à! Nhưng đêm nay mày phải đi chơi với tao.

Ông Lê vỗ túi quần.

-       Hôm nay bố có khối tiền. tha hồ tiêu! Nào, ngồi dậy, đi chơi, cả con gái bố cũng đi cho vui.

Thanh thoái thác:

-       Con mệt quá. Để một mình anh con đi với bố thôi.

Hữu dụ dự. Ông Lê cười hì hì.

-       Nhưng, cấm cô ở nhà nằm khóc một mình đó nhé!

Thanh ậm ừ.

-       Bố cứ chế con mãi. Con già rồi đâu còn trẻ con nữa!

Ông Lê khoát tay với Hữu:

-       Bà lão bảy mươi khi yêu vẫn như trẻ con, cô ạ !

x          x          x

Hữu về nhà khoảng 5 giờ sáng, người nồng nặc mùi rượu. mới bước chân vào nhà, Hữu đã nôn thốc ra tất cả thức ăn tối hôm qua, rồi nằm trên giường. Thanh thu dọn nhà cửa, ngồi nhìn Hữu ngủ.

Sau một đêm trằn trọc suy tư, Thanh đã có một quyết định.

Nàng sẳn sàng hy sinh cho Hữu, nhưng nàng bất lực trước sự trụy lạc của Hữu. tưởng Hữu cố gắng một chút. Hữu tự ái quá. Hữu đầy mặc cảm. Thanh đã vì yêu Hữu mà không dám đề cập một cách cứng rắn những gì Hữu đã sai lầm. Hữu cũng biết mình sai, nhưng vì chán và bất lực trước đời sống vật chất mà Hữu buông tay. Một khi người ấy đã không cố vươn lên thì làm sao Thanh đủ sức kéo Hữu lên cho được. Cuộc tình của nàng và Hữu không kéo dài quá sáu tháng. Để bây giờ ngồi đây xót xa. Nếu kéo dài, đời Hữu sẽ bỏ đi, đời nàng cũng bỏ đi. Cả hai sẽ chung sống trong một sự vô vọng, tối đen của tương lai.

Hữu ngủ đến 3 giờ chiều. Cơn ghiền thuốc đã kéo chàng dậy để bắt chàng phải cho nó thỏa mãn. Thanh vẫn còn ngồi đó nhìn Hữu lặng lẽ.

-       Em sửa soạn thuốc tiêm cho anh, đến giờ rồi.

Thanh ngồi bất động. Hữu kêu lên:

-       Thanh.

Vẫn yên lặng. Gian nhà tối lờ mờ. Các cánh cửa đóng kín. Thanh ngồi đó mở to mắt nhìn Hữu.

Hữu chợt nổi giận:

-       Em khinh tôi lắm hả? Em khinh tôi đến nỗi không thèm trả lời tôi nữa à!

Thanh nhếch môi:

-       Anh sa đọa quá Hữu ạ!

Hữu vùng đứng dậy. Anh không chịu nỗi tia nhìn vừa xót thương, vừa u uẩn, vừa như chán ghét kia.

-       Bây giờ em mới biết tôi sa đọa ư! Tôi sa đọa từ khi mới bước chân ra đời kia kìa!

Cơn giận lây sang Thanh

-     Anh là người không hiểu biết. Đối với tôi, một người không đủ nghị lực để chống chỏi với sự cám dỗ của đời sống là một người hèn.

Hữu tái mặt:

-     Đúng rồi. tôi là một thằng hèn. Tôi là người không ra gì. Cô có quyền đi theo những ước mơ của cô. Đi tìm người ra gì mà sống với họ. Tôi như vậy đó. Cô nói đúng. Tôi tự giết đời tôi. Tôi tự dìm đời tôi xuống bùn.

Cơn ghiền vật Hữu ngồi xuống giường. Hơi thở Hữu đứt quảng. Tay chân run rẩy, tia mắt đỏ ngầu. Hữu chỉ là một thân xác ôm tong teo.

-     Tôi biết em khinh tôi. Thanh. Nhưng không ngờ em khinh tôi sớm quá vậy. Mới có 6 tháng mình sống chung với nhau kia mà. Em đừng nhìn tôi với cặp mắt đó. Em có đủ tự do để ra đi. Tôi không còn đủ tư cách để giữ em nữa.

Thanh bật khóc nức nở:

-       Hữu, tôi là người đàn bà cô đơn trước khi gặp anh. Tôi yêu anh vì tấm lòng hòa ái của anh. Cứ ngỡ là tôi sẽ được sưởi ấm trong vòng tay của anh. Tôi ngã vào tay anh không so đo, tính toán. Tôi hiểu nỗi khổ tâm của anh. Tôi hiểu rỏ mặc cảm của anh. Tôi cố gắng san bằng mọi ngăn cách tuổi tác giữa anh và tôi. Tôi trông mong vào tương lai của anh. Không phải để anh đem tiền bạc vật chất về cung phụng cho tôi. Nhưng tôi chua xót và bất lực trước sự trụy lạc của anh, và càng ngày anh càng xuống dốc một cách thảm hại. tôi phải làm thế nào để đưa anh ra khỏi thảm cảnh này, nếu anh không tự hành động cứu lấy anh. Anh làm tôi thất vọng quá.

Hữu điếng người. Cơn ghiền và nỗi đau trong tâm hồn đã làm chàng mất lương tri. Hữu nổi giận nắm áo Thanh lôi ra khỏi cửa:

-     Tôi như vậy đó. Cô đi đi. Đi tìm tương lai rực rở của cô đi.

Thanh nhìn Hữu, mím môi, quyết liệt, dứt khoác:

-       Thà chết vì trời trong xanh. Không chết cho người hôi tanh.

x          x          x

“Người hôi tanh! Người hôi tanh!”

Hữu lặng người nhận ngọn roi quất vào mặt. lạnh buốt.  Đầu roi như cuốn theo da thịt của Hữu. Từng mảng thịt rơi xuống, rỏ máu. Tê buốt ư? Không! Đau xé ư? Không! Nó khiến người nhận không có cảm giác gì hết, không còn cảm giác đau đớn gì nữa cả. nó đã lên đến tột đỉnh của nỗi đau, của chịu đựng, để Hữu chỉ còn biết lặng người đi. Không dẫy dụa, không kêu than, không trách móc, không oán hờn. nhưng đau thì đau lắm. Lời nói như vết dao cứa cù nhầy cù nhằng trong trái tim nóng bỏng của người đàn ông. Nó không chịu cắt đứt đi. Nó làm cho người nhận ở trong một trạng thái hôn mê, dằn vật, xâu xé. Rồi trạng thái đó cứ kéo dài ra, kéo dài ra từ đêm này qua đêm khác, từ ngày này qua ngày kia, từ năm này qua năm nọ.

Thanh đi rồi, Hữu cũng không còn can đảm để tìm kiếm. Mà, tìm để làm gì?

                        Mây muốn về trời mây cứ bay…

Mây bay đi rồi. mây tìm về khung trời trong xanh, đầy gió lộng. Nơi đó có vầng hồng sưởi ấm, ánh sáng rực rỡ hào quang, có những người hy sinh cho một đời sống cứu chuộc.

Mây bay đi rồi. Hữu chỉ là một thi sĩ. Thi sĩ chỉ có thể ca tụng mây nhưng không nắm bắt được mây. Em là mây mang đến cho tôi một khoảng đời hạnh phúc, tuy ngắn ngủi nhưng đầy ấm áp, yêu thương.

Hữu lang thang trong nỗi đau xé cô đơn. Tuy nhiên, luật trời hầu như có một sự biến chuyển mà mới vừa thoạt nhìn ta tưởng như mâu thuẫn. Nhưng, không! … đó là vì đấng Tạo hóa (nếu ta tin là có thật) luôn luôn yêu thương loài người. ngài đã ban cho loài người một sức sống tiềm tàng, một mãnh lực phi thường để biết vượt qua mọi trở ngại của cõi trần gian điên dại này. Ngài đã định ra cho loài người sống trong một quy luật quân bình: không có một hạnh phúc nào tuyệt đối cũng như không có nỗi đau khổ nào tuyệt đối. Trong hạnh phúc có một mầm khổ đau nào đó vừa manh nha. Trong hoàn cảnh bi quan cùng cực của nỗi đau ta chợt phát hiện ra một tia sáng nhỏ, một nghị lực nào đó để ta vượt qua được hoàn cảnh hiện tại. Trong nỗi đau quằn quại tột cùng ấy. Hữu đã chợt thấy phát xuất trong tim, trong máu một chuyển động mạnh mẽ, một sự đổi thay táo bạo.

Hữu trả lại căn nhà mà Hữu đã cùng với Thanh chung sống cho người chủ cũ. Hữu lánh xa đám bạn bè thi sĩ ngày trước để về sống trong căn gác nhỏ hẹp của vùng một bùn lầy. Hữu dứt khoát xây dựng lại cuộc sống, quyết định bỏ tiêm maxiton.

Nếu ai đã từng biết thế nào là nghiện, dù nghiện rượu, nghiện thuốc lá, nghiện trà, nghiện café,… và nhất là nghiện á phiện, thì chắc chắn phải biết sự từ bỏ dứt khoác những thứ đó đầy khó khăn, đầy nghị lực.

Nó hành hạ ta đủ cách mỗi khi lên cơn nghiện. Nó bắt ta chảy nước mắt, nước mũi. Nó làm ta bủn rủn tứ chi, tê liệt thần kinh, trí óc. Nó vật ta từ trên giường xuống đất. Chân tay co quắp, nước bọt từ miệng chảy ra…La hét, rên rĩ. Nó biến con người thành một con vật mất liêm sỉ, mất nhân tính. Nó tạo ra biết bao thảm cảnh gia đình, nếu gia đình bất hạnh đó có một người nghiện. Người ta sẳn sàng bán nhà, bán vợ con để có tiền thỏa mãn những giờ lên cơn nghiện. Nó rút lần máu huyết, xương, tủy, trí não của con người. Hạnh phúc và khoái cảm nó ban cho chỉ trong vài phút, vài giờ, mà khổ sở đau đớn đeo theo con người nghiện suốt kiếp.

Hữu dứt khoát bỏ tiêm maxiton. Những ngày đầu nằm bẹp dí trong xó gác tối của căn nhà xa lạ, không người quen, thân nhân, bạn bè, Hữu vật vã chịu đựng cơn ghiền thuốc. Bắt đầu là cơn lạnh buốt ở sóng lưng từ dưới đi lên, rồi như có một đàn giòi bò lổn ngổn hàng trăm ngàn con ở lưng, ở tay, ở vai, ở cổ. Nó như đục như khoét trong da, trong xương, trong thịt, trong máu. Nó luồng luồng qua mọi ngỏ ngách trong cơ thể. Nó làm rủn trí óc, nghị lực. nó khuyến khích, tiêm đi không thì sẽ chết.

Hữu trân mình chịu. Có những lúc chàng bị vật xuống sàn gác, mê sảng, la hét. Nó buộc chàng đến chổ máng áo, thay quần áo rồi xuống đường đi đến tiệm chích. Những lúc đó đầu óc quay cuồng, nghị lực tiêu tán, đã có lần Hữu đến gần tiệm thuốc, nhưng hình ảnh Thanh hiện ra, đôi mắt u uẩn nhìn chàng, đôi môi mím chặt, nhếch lên, khinh bỉ. “Người hôi tanh”.

Hữu gục đầu đau đớn. Cái tuổi hai mươi của chàng đã xuống dốc thảm nảo đến mức nầy ư! Còn đâu những ước mơ xẻ núi lấp sông vá trời,..tương lai, hy vọng. Còn đâu sinh khí nhiệt tình của người thanh niên mong ước làm được việc gì cho đất nước, mang lại ánh sáng sưởi ấm những người nghèo khổ chung quanh…

Hữu đứng sửng người lại. Quay về.

Một tuần liên tục như thế. Một tuần vật vã chống lại cơn nghiền thuốc. Một tuần nằm bẹp trên sàn gác, lăn lên trên những bãi đờm rải tanh hôi; nhịn ăn, chỉ uống nước cầm hơi, chịu đựng một mình.

Hữu tỉnh dậy vào một buổi sáng nắng ấm, nghe lòng mình còn vương lại một chút sinh khí.

Hữu sống lại. Chàng xin dạy Anh văn cho một trường tư thục và viết cho một vài tờ báo quen cũ. Hoạch định cho mình một con đường mới. Dành dụm một ít tiền, Hữu rời Sài Gòn trên một tàu buôn của Châu Âu dưới sự trợ giúp của một người quen làm việc trên tàu.

                                                                        xxx

Bao nhiêu năm qua, người thi sĩ giang hồ ngày nào đã là một người thành đạt trở về, lặng nhìn ánh trăng lóng lánh trên sông Thị Nghè.

Gần đó, tiếng chuông nhà thờ vọng về. Một áo chùng của một nữ tu đang lặng lẽ cầu nguyện trong thánh đường.

Tạ ơn người ngủ bên trời

Cho ta ngọn lửa ngàn đời phiêu linh…

Tạ ơn ánh nắng bình minh

Nến hồng ta cháy một mình đêm đêm


Chưa có bình luận nào.

Gửi bình luận