ĐỂ NHỚ VĂN KHOA – BAN TRIẾT HỌC
VÀ GIÁO SƯ ĐẶNG PHÙNG QUÂN
Tôi ghi danh vào lớp của GS Đặng Phùng Quân lúc 20 tuổi và những người bạn nữ cùng học ban Triết cũng không nhiều tuổi hơn tôi. Một giáo sư khoảng 30 tuổi, trẻ nhất trong ban Triết Đại học Văn Khoa. Các cô bạn tôi nói với tôi thế. « Ông này giỏi lắm ».
So với các vị lão thành, tiếng tăm lừng lẫy lúc đó như GS Bửu Dưỡng, GS Nguyễn Duy Cần, GS Kim Định, GS Nguyễn Văn Trung, GS Lê Thành Trị, Thượng tọa Thích Minh Châu,.. mà giờ giảng của các vị này sinh viên ngồi kín giảng đường thì bề dày tên tuổi của GS Đặng Phùng Quân chỉ là truyền miệng.
Cô bạn tôi quyết chí theo học GS trẻ, đẹp trai và giỏi này. Lúc đó giáo trình tham khảo môn học của GS Quân là quyển sách « Triết học và Khoa học». Điều này cũng làm tôi tò mò, vì động lực tôi ghi danh ban Triết cũng chỉ từ câu « Triết học là bà chúa của các khoa học ». Nếu một hệ thống triết học của một ai đó hay của một nhóm người nào đó ảnh hưởng đến nhóm cầm quyền thì sẽ tạo một sự thay đổi xã hội ( xấu hay tốt thì chưa phán xét) như Nho giáo trong dĩ vãng và hiện tại là chủ nghĩa cộng sản của Karl Marx. Thế thì khoa học tự nhiên hay kỹ thuật làm gì so sánh với triết học được. ( khi trẻ tôi ngu si suy nghĩ như vậy).
Tôi ngồi trong giờ GS ghi chép rất cẩn thận. Các cô bạn của tôi còn vẽ vào trang ghi chú của các cô ấy những hình trái tim bay bay.
Tôi còn giữ đầy đủ những trang ghi chép đó cho đến hôm nay.
Viết lại những kỷ niệm trên để chứng tỏ GS Đặng Phùng Quân ngồi trên bục giảng đại học Văn Khoa đã thành công như thế.
Hôm nay, nghe tin thầy mất, tôi bồi hồi nhớ lại thời sinh viên. Tôi không gặp thầy lúc thầy đã lão thành, tôi biết thầy lúc thầy còn trẻ. Và…thầy vẫn trẻ trong ký ức của những sinh viên Triết học ĐH Văn Khoa trước 1975.
NGUYỄN HỒNG CÚC
23.7.2023
(bài này đã đăng trên trang Gió-O Hải Ngoại, lúc đó vì đang sửa nhà nên không tìm được những trang ghi chú môn Triết học và Khoa học của GS Đặng Phùng Quân. Đọc lại ghi chú ngày 15/1/73, lúc đó học thuyết của Claude Lévi Strauss được dịch là nhân bản thuyết)
Chưa có bình luận nào.
Gửi bình luận