CỎ HOANG
(bài đăng trên tuần báo Dân Mới năm 1970 và in lại trong tập ký NGƯỜI THƯỜNG, nxb Hội nhà văn 2021)
Tôi vẫn thường nói với bạn tôi là tôi đã học được sự vươn lên từ cỏ hoang. Phải, chính cỏ hoang đã dạy cho tôi bài học lớn lao đó. Những ngày tôi còn đi học, với những đam mê bồng bột của tâm hồn, tôi đã có những lần ra đi rồi chán nản trở về nhà, nằm bẹp sau vườn trên đám cỏ hoang. Để nghe tiếng cỏ hoang rì rào trong gió, bất luận, sáng, trưa, chiều hay tối, tôi vẫn thích nằm trên đám cỏ để ngắm những ngọn cỏ xanh mướt mọc lan qua những khe đá ong, những mảnh gạch ngổn ngang sau vườn, để nghe chán nản đùn xuống tâm hồn, cô đọng lại, rồi nhìn cỏ hoang mà học nơi đó sự vươn lên - vươn lên để mà sống. Thế là tôi lại trỗi dậy ra đi.
Và bây giờ, tôi đã lìa xa gia đình, để thực hiện ước mơ của tuổi trẻ. Đám cỏ hoang sau vườn đã được dẹp sạch, nhưng bài học vươn lên đó vẫn mãi mãi đốt lửa trong tôi. Những đám cỏ mọc hoang bên vệ đường, qua khe gạch vụn, trên bức tường nám đen, rêu mốc, nứt nẻ hay dưới gốc những cây cổ thụ già cằn cỗi vẫn thường làm cho tôi xao xuyến. Thân phận của cỏ hoang thì bị bạc đãi, như thân phận của những người nghèo khổ cùng đinh trong xã hội. Nhưng họ vẫn cứ vươn lên để mà sống, để mà giành lại sự sanh tồn của một đời khốn khổ, và vẫn cứ im lặng, chịu đựng mà sống, không phàn nàn, suy tính thiệt hơn.
Bạn bè tôi ngày xưa thường cười tôi khi tôi giải thích sự chiêm nghiệm của tôi về cỏ hoang như một thứ triết lý khúc chiết của sự sống, mà chỉ có mình tôi biết, chỉ có một mình tôi được nghe lời nhắn nhủ của cỏ hoang về bài học vươn lên, và tôi đã cố diễn đạt cho người chung quanh tôi hiểu sự cố gắng thần thánh đó. Tôi đã bứng vài cọng cỏ hoang để trồng vào chậu kiểng và hằng ngày ra đó nhìn sự nẩy mầm của nó. Nhưng không được bao lâu, tôi đã chán nản nhổ bỏ vì cọng cỏ què quặt trước gió và không đẹp như đám cỏ mọc trong khe đá ong, mọc một cách tự nhiên trên nền đất.
Tuổi trẻ của tôi, của bạn bè tôi, của thế hệ chúng tôi đã sống què quặt như đám cỏ hoang thế đó. Sống què quặt nhưng vẫn cố vươn lên. Những cây kiểng hay vài loại cổ thụ cao chót vót thì xa lạ với đám cỏ hoang quá, cũng như những bậc đàn anh, những người lớn tuổi đã sống xa chúng tôi. Và, vì thế, chúng tôi đã sống gần như bơ vơ trước những thử thách và sóng gió của cuộc đời. Tôi được điều may mắn là được sống với những ước muốn của tuổi trẻ tôi. Một tuổi trẻ biết mình còn khờ dại giữa cuộc đời nhưng vẫn cứ hy vọng dùng trí óc, dùng con tim để san bằng những bất công trong cuộc sống. Tôi mong chờ một cội tùng già dạy cho biết phải hấp thụ những đặc chất gì trong đất để có thể chống đỡ với cơn rét mùa đông, rồi khoe sắc dưới nắng xuân để trở thành linh chi, dược thảo.
Điều đó làm tôi hãnh diện cũng như đã khiến tôi chua xót khi nhìn những người bạn ngày xưa. Những người bạn đã cùng tôi chịu chung nỗi khổ, sự chua xót hay niềm chán nản cho thân phận tuổi trẻ nầy.
Chúng nó đã im lặng, im lặng để mà chấp nhận những gì mà xã hội ban cho, để cuộc đời được bình an êm ấm; vì những lý do rất dễ hiểu, rất là chánh đáng, rất là cao thượng. Xin cho tôi không đề cập đến những người sống trong vỏ ốc, trong tháp ngà cao xa, mà không biết rằng chung quanh họ chiến tranh cùng khắp, những thảm họa, những điêu tàn. Tôi hy vọng trên mảnh đất nầy, không có những tuổi trẻ như vậy, hay nếu có thì chắc là ít, thật ít. Có những người đã thấy nhưng họ chấp nhận thực tại bỉ ổi trước mặt và tìm cách len lỏi vào đó để kiếm chác, chia phần như những người lớn, hay ít nữa để được sống yên ổn hoàn toàn được ngày nào hay ngày ấy. Đó là những tuổi trẻ ngoan ngoãn học tập, ngoan ngoãn thi cử và ngoan ngoãn làm nô lệ cho người khác, nô lệ vật chất, nô lệ luôn cả tinh thần. Còn một số khác nữa, đông hơn, mà bây giờ đã tạo nên một khối, gọi là tuổi trẻ thầm lặng. Họ thầm lặng vì không được quyền nói, không có môi trường thuận tiện để phát biểu ý kiến, hay không dám nói. Vì chung quanh họ toàn kẽm gai, toàn dùi cui, toàn lựu đạn cay, toàn ma trắc, toàn những trận đòn tra tấn dã man hơn ác thú và nhất là trên bước đường tương lai dấn thân ấy lại được những bậc đàn anh đào sẵn hầm hố, chực chờ. Có lẽ họ không sợ bị khảo tra đàn áp, vì những điều đó chỉ chứng minh việc làm của họ càng chánh đáng, nhưng những hầm hố thì họ rất sợ. Họ sợ mất đi niềm tin, mất đi sự thánh khiết của một tâm hồn trong sáng của tuổi trẻ, thế là họ không dám dấn thân, và chịu nín thinh, im lặng. Không muốn, nhưng hóa ra họ mặc nhiên nhìn nhận sự có mặt của họ là vô ích, mà không là sự tiếp nối liên tục của những thế hệ đóng góp vào nền văn minh nhân loại.
Nhưng có những người không chấp nhận được thực tại tàn phá trước mặt, và phủ nhận một cách tích cực bằng hành động vùng lên phản kháng, góp phần biến đổi thực tại ấy. Đó là họ đã học được bài học vươn lên. Bài học mà tôi đã học từ đám cỏ hoang. Bài học của những người Việt ngày xưa từng chứng minh “thắng không kêu, lùi không chạy, bị bắt không đầu hàng”.
Rồi ngày mai, khi nước Việt Nam hòa bình, họ sẽ không có mặc cảm là người khách dự bữa cơm an lành trên đất nước mà chủ nhân lại là người cùng xứ sở với họ.
“Người ta dấn thân rồi người ta sẽ thấy” (On s’engage puis on voit) Tôi hy vọng những người đó sẽ thấy được tương lai. Dù tương lai của họ có thành công hay bị thất bại, nhưng tôi biết số người tuổi trẻ nầy sẽ sống hết sức mình, phản kháng hết sức mình để sống trọn vẹn với ngọn lửa thiêng lúc nào cũng nung sôi tâm chí tuổi trẻ.
Tôi nhớ có một lời nói của Ernest Renan: “Nếu thanh niên tán thành hoàn toàn tất cả những gì mà các bậc đàn anh đã tạo lập nên, thì hóa ra họ mặc nhiên nhìn nhận sự ra đời của họ là vô ích hay sao?”.
Cỏ hoang đã dạy cho tôi bài học vươn lên, và tôi đã vươn lên để bây giờ sống một cuộc đời không như cuộc đời tầm gửi. Cho tôi được nguyện cầu cho tuổi trẻ Việt Nam đủ can đảm, đủ nghị lực để dấn thân, dù rằng mỗi sự dấn thân là một cuộc hành trình đượm nhiều phiêu lưu, nguy hiểm; và tìm ra được một môi trường dấn thân xứng đáng. Cho những cây cổ thụ biết thương cỏ hoang, cho những người lớn tuổi không xa lạ với tuổi trẻ, để chở che cho tuổi trẻ, để tuổi trẻ còn được sống trong sự đùm bọc thương yêu mà còn đủ nghị lực vượt thắng những yếu hèn của bản năng và làm trọn vẹn sứ mạng thiêng liêng của tuổi trẻ.
Chưa có bình luận nào.
Gửi bình luận